Tránh tâm lý chủ quan khi chống dịch

Thành phố Hà Nội và cả nước ta vừa trải qua một khoảng thời gian dài không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tất cả các ca bệnh trong hai tháng qua đều là người nhập cảnh và được cách ly ngay lập tức. Ðây là cơ sở để các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trong trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế từng bước hồi phục. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này, một bộ phận không nhỏ người dân có dấu hiệu chủ quan.

Thành phố Hà Nội và cả nước ta vừa trải qua một khoảng thời gian dài không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tất cả các ca bệnh trong hai tháng qua đều là người nhập cảnh và được cách ly ngay lập tức. Ðây là cơ sở để các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trong trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế từng bước hồi phục. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này, một bộ phận không nhỏ người dân có dấu hiệu chủ quan.

Trong tuần qua, thành phố đã tổ chức năm đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các quận: Ba Ðình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và huyện Mỹ Ðức. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân vẫn chủ quan với dịch bệnh, nhất là việc không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Kiểm tra tại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào những ngày cuối tuần cho thấy, hiện tượng nhiều người đeo khẩu trang để đối phó khá phổ biến. Người dân dùng khẩu trang khi đi qua các chốt kiểm soát, nhưng sau đó lại tháo ra. Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 với các quận, huyện trên địa bàn, khi được yêu cầu báo cáo nghiêm túc về việc đeo khẩu trang tại các chợ, lãnh đạo huyện Gia Lâm thừa nhận, chỉ có khoảng 10% người dân đeo khẩu trang khi vào các chợ.

Ðến thời điểm này, Việt Nam đã qua hai lần bị dịch Covid-19 “tấn công”. Phải thừa nhận rằng, sau khi từng bước đẩy lùi dịch bệnh trong giai đoạn 1, sau gần 100 ngày không có ca mắc trong cộng đồng khiến không ít người có tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng, ít sử dụng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay. Việc chấp hành các quy tắc phòng, chống dịch bệnh chỉ được thực hiện nghiêm túc từ khi Ðà Nẵng phát hiện ca bệnh vào cuối tháng 7-2020. Thực tế hiện nay đang lặp lại, giống những gì diễn ra trong khoảng thời gian tạm yên bình giữa hai lần dịch bệnh “tấn công”. Các nhà khoa học đều nhấn mạnh: Việc Việt Nam không phát hiện ca nhiễm bệnh trong cộng đồng không có nghĩa là nguy cơ mắc, lây nhiễm đã được xử lý triệt để. Chỉ một sơ suất nhỏ, các trường hợp nhập cảnh không được kiểm soát chặt chẽ, dịch bệnh có thể lây lan ra cộng đồng. Việc chủ quan không áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi đến nơi công cộng sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Trước thực tế trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã yêu cầu người dân phải tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang tại các địa điểm, gồm: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ. Thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải bố trí người kiểm soát chặt chẽ việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Ðến thời điểm này, dịch bệnh đang bùng phát dữ dội tại châu Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác. Dịch bệnh càng dễ lây lan hơn trong mùa đông. Ðiều ấy đồng nghĩa với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Nếu có ca nhiễm trong cộng đồng, cả nước cũng như địa phương có ca nhiễm bệnh sẽ phải chống đỡ hết sức vất vả. Nền kinh tế vốn gặp nhiều khó khăn, sẽ còn khó khăn hơn nữa. Thực hiện tốt biện pháp phòng dịch, để nếu không may dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, thì cũng sẽ được khoanh vùng, giảm đến mức thấp nhất sự lây lan, thiệt hại.

VIỆT HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-dethudota-ngaycang/tranh-tam-ly-chu-quan-khi-chong-dich-624728/