Tránh sai lầm khi chăm sóc răng sữa

Không ít phụ huynh giữ quan điểm chỉ chăm sóc răng miệng cho con sau khi thay răng sữa. Tuy nhiên, đây là quan điểm rất sai lầm.

Sâu răng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ. Ảnh minh họa.

Sâu răng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ. Ảnh minh họa.

Quan điểm sai lầm

Một số cha mẹ không quá chú trọng tới việc vệ sinh răng miệng ở trẻ với quan điểm rằng, răng sữasẽ sớm được thay. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lại không có biện pháp nghiêm khắc để yêu cầu con giữ vệ sinh răng miệng đúng cách.

Chị Nguyễn Thanh Hậu - một phụ huynh có hai con sống tại quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Do thường xuyên cho các con ăn đồ ngọt và uống sữa nhưng không yêu cầu phải đánh răng, hàm răng của hai cháu nhà tôi dần ngả màu đen. Thậm chí, cháu lớn nhà tôi bị sâu răng và thường cảm thấy đau mỗi khi nhai”.

Chị Hậu cho biết, để cải thiện tình trạng răng miệng của các con, chị đã yêu cầu trẻ chăm đánh răng hơn. Ngoài ra, chị cũng đưa trẻ tới nha sĩ để khắc phục tình trạng sâu răng. Tuy nhiên, chị cũng bày tỏ, do trẻ chưa thay răng vĩnh viễn, nên việc chăm sóc quá kỹ càng cũng không phải là điều cần thiết.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Đoan - phụ huynh có con học cấp 2 tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Mặc dù không còn quá nhỏ, nhưng cháu nhà tôi vẫn rất lười đánh răng. Tôi thường xuyên phải nhắc nhở và thúc giục thì thằng bé mới chịu đi đánh răng và vẫn chưa có tính tự giác”.

Theo phụ huynh này, do không thường xuyên đánh răng kỹ càng, nên con cô có bộ răng xỉn màu và không được trắng sáng.

Cần sự quan tâm từ cha mẹ

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bác sĩ Đinh Vạn Trung chuyên khoa răng - hàm - mặt, Bệnh viện Quốc tế Dolife nhấn mạnh: “Không ít phụ huynh lơ là trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

Đặc biệt, những trẻ thường xuyên ăn kẹo, ngậm cơm hoặc có thói quen uống sữa vào buổi tối nhưng không đánh răng... đều có khả năng bị sâu răng. Lượng thức ăn thừa và vi khuẩn trong miệng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Khi kết hợp với nhau, những yếu tố trên sẽ tạo thành mảng bám trên răng. Nếu không chải răng kỹ lưỡng mỗi ngày, vi khuẩn trong mảng bám sẽ tiết ra axit có hại, phá hủy men răng và làm sâu răng, lâu ngày sẽ tạo thành cao răng gây viêm nướu, bệnh nha chu, hoặc thậm chí mất răng nếu không được chữa trị kịp thời.

Bác sĩ Trung nhận định, phần lớn trẻ quá nhỏ thường sợ đánh răng. Do đó, cha mẹ cần biết cách vệ sinh răng miệng cho con. Đối với những trẻ em lớn hơn, phụ huynh hoàn toàn có thể khuyến khích và hướng dẫn các con tự đánh răng đúng cách.

“Các phụ huynh cần lưu ý chọn cho trẻ loại kem đánh răng đúng lứa tuổi, vì chúng chứa độ kiềm thấp, không gây hại tới răng miệng của trẻ. Nếu có quá nhiều kiềm trong kem đánh răng, trẻ có thể bị viêm lợi”, chuyên gia cảnh báo.

Để việc vệ sinh răng miệng cho trẻ trở nên dễ dàng, các phụ huynh được khuyến cáo lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp với từng lứa tuổi của con. Đặc biệt, bàn chải cho các con phải có độ mềm, giúp trẻ không bị đau hoặc khó chịu. Ngoài ra, đánh răng đúng cách cũng được coi là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng.

“Cha mẹ cần đưa dọc bàn chải theo mặt răng để vệ sinh từng kẽ răng. Lưu ý, mỗi răng phải được bàn chải lướt qua tối thiểu 8 lần”, bác sĩ Trung cho biết.

Do để trẻ thường xuyên ăn đồ ngọt nhưng không đánh răng, nhiều phụ huynh chia sẻ, màu răng của con bị đen dần và ngày càng nghiêm trọng. Về vấn đề này, bác sĩ Trung cho hay, răng trẻ bị đen do mảng bám. Tuy nhiên, bàn chải không thể làm sạch hết những mảng bám này vì lực quá nhẹ.

“Hầu hết trẻ nào cũng có mảng bám ở răng. Do đó, chỉ trong trường hợp trẻ có quá nhiều mảng bám, cha mẹ mới cần đưa con đi khám. Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần thường xuyên đưa con tới nha sĩ định kỳ sau 3 - 6 tháng. Răng sữa của trẻ rất dễ bị sâu. Do đó, cha mẹ nên chú ý tới việc vệ sinh răng miệng cho trẻ”, bác sĩ Trung nói thêm.

Hiểm họa từ sâu răng

“Khi răng bị sâu, vi khuẩn sẽ phát triển. Nếu vấn đề này không được phát hiện kịp thời, trẻ sẽ vô tình nuốt vi khuẩn xuống bụng và từ đó, gây ảnh hưởng tới đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa. Người lớn không biết và lầm tưởng là trẻ ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc ôi thiu. Do đó, một số cha mẹ cho con đi điều trị vấn đề về tiêu hóa, nhưng thực chất, trẻ bị sâu răng”, bác sĩ Trung cảnh báo.

Ngoài ra, tình trạng sâu răng lâu ngày cũng dẫn đến viêm lợi, ảnh hưởng đến sức nhai của trẻ và gây đau. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể ăn không ngon miệng vì vấn đề răng lợi và lâu ngày rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.

“Không những vậy, tình trạng sâu răng kéo dài và không được điều trị có thể dẫn đến hỏng tủy răng và vỡ hết răng”, bác sĩ Trung khuyến cáo. Bác sĩ cho rằng, việc chủ quan và không chăm sóc tới răng miệng của trẻ khi các con chưa thay răng sữa là quan điểm sai lầm.

Răng sữa có những chức năng rất quan trọng cho trẻ như nhai khi ăn, phát âm, thẩm mỹ và “giữ chỗ” cho răng vĩnh viễn mọc, kích thích xương hàm phát triển.

“Tuổi của răng sữa kéo dài từ 6 - 12 năm. Trong quá trình mọc răng, lần lượt từng răng sẽ bị thay chứ không phải thay cùng lúc, nên nếu nhổ răng sữa sớm do sâu răng, các răng bên cạnh sẽ bị xô lệch, chiếm chỗ của răng vĩnh viễn. Khi bị chèn ép như vậy, răng vĩnh viễn bắt buộc mọc lệch, mọc xiên hoặc cũng có trường hợp không mọc được, phải nắn chỉnh rất tốn kém. Ngoài ra, trẻ mất răng sữa sớm, không ăn nhai thì xương hàm không phát triển, dẫn đến khuôn mặt thiếu cân đối” - Bác sĩ Đinh Vạn Trung.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tranh-sai-lam-khi-cham-soc-rang-sua-20200608114909730.html