Tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế

Bên cạnh những lợi ích như đơn giản, tiện lợi, chi phí thấp, các phương thức thanh toán hiện đại trong mua bán quốc tế cũng có không ít rủi ro, bị các hacker tấn công qua mạng.

Không ít trường hợp DN bị thiệt hại lên đến hàng triệu USD do các vụ tấn công qua mạng của hacker.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Thanh toán quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu" do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc phục trách Trung tâm thanh toán quốc tế, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình cho hay, từ cuối năm 2013 đến nay, rất nhiều DN không sử dụng các phương thức thanh toán có sự tham gia nhiều của ngân hàng như L/C hay nhờ thu mà đa phần đều chuyển sang phương thức chuyển tiền. Đây là phương thức đơn giản, tiện lợi và có chi phí thấp hơn nhưng lại đi kèm rủi ro bị hacker tấn công. Do DN ít có cơ hội ngồi đàm phán trực tiếp mà hầu hết đều chỉ trao đổi qua email.

Theo thống kê của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED), chỉ từ cuối năm 2013 đến hết năm 2016, riêng các giao dịch thanh toán quốc tế bằng USD, đã có khoảng 22.000 giao dịch bị hacker tấn công với tổng thiệt hại khoảng 3,1 tỷ USD và FED đã phải đưa ra cảnh báo tới tất cả các DN tại Mỹ về vấn đề này. Thống kê cho thấy, các vụ tấn công đã diễn ra ở 79 quốc gia và số tiền chiếm đoạt được đa phần được có đích đến là Trung Quốc, Hồng Kông, còn tội phạm đến từ các tổ chức ở Đông Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Trung bình, thiệt hại của mỗi vụ tấn công ở mức phổ biến từ 6.000-10.000 USD, nhưng cũng có nhiều vụ DN bị thiệt hại lên đến hàng triệu USD. Ngay tại Việt Nam cũng đã có trường hợp DN bị mất tới 600.000 USD.

Theo bà Hằng, thủ đoạn của các hacker thường là cài mã độc vào email để xâm nhập và lấy cắp thông tin, lịch sử giao dịch của DN. Sau đó dùng email giả hoặc tạo email gần tương tự để dẫn dụ nạn nhân gửi tiền vào tài khoản của hacker.

Theo bà Hằng, để phòng tránh rủi ro trong giao dịch thương mại, các DN cần cảnh giác với những giao dịch bất thường, kiểm tra địa chỉ email nhằm tránh việc giả mạo email lừa đảo chuyển tiền, cần xác thực đề nghị thanh toán quan điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp với lãnh đạo.

Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân Bizlight cũng khuyến cáo các DN cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch, cả về sản phẩm, dịch vụ và lịch sử giao dịch. Nên thuê dịch vụ phân tích báo cáo tài chính của đối tác. “Không nên chủ quan, càng chủ quan thì càng nhiều rủi ro. Chi phí thuê dịch vụ đánh giá báo cáo tài chính sẽ rẻ hơn nhiều so với việc xử lý tranh chấp, bồi thường thiệt hại” - ông Tín nhấn mạnh. Thêm vào đó, các DN cũng nên mua bảo hiểm tỷ giá trong trường hợp tình hình tỷ giá biến động phức tạp và khó dự báo.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho hay, hiện Việt Nam có quan hệ thương mại quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó tập trung vào một số đối tác chính như: Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, các nước ASEAN, Trung Quốc... Trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, thương mại quốc tế cũng phát triển phức tạp hơn, thể hiện qua nhiều phương thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, mua bán nợ thương mại, cho thuê tài chính... Mặt khác, thanh toán quốc tế là một mảng không thể tách rời đối với hoạt động thương mại quốc tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, song cũng được đánh giá là lĩnh vực có nhiều rủi ro với việc lừa đảo trong hoạt động xuất nhập khẩu, gây thiệt hại không nhỏ đối với các DN.

Theo bà An, để tránh rủi ro, DN cần tìm hiểu về thương nhân nước ngoài như tìm số điện thoại, trao đổi hoặc tiếp xúc trực tiếp qua bạn hàng, tham khảo Thương vụ Việt Nam tại nước của thương nhân cần giao dịch, trao đổi trong các hiệp hội ngành hàng để nắm thêm thông tin vì thực tế đã có trường hợp nhiều DN bị lừa cùng một kịch bản.

Các chuyên gia cũng lưu ý DN có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán xuất khẩu…, để có thêm sự đảm bảo cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như được hỗ trợ tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tranh-rui-ro-trong-thanh-toan-quoc-te.aspx