Tranh nhái của danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung...lên sàn quốc tế

Mới đây, nhà đấu giá tên tuổi của Pháp Drouot đã đưa lên sàn online 2 tác phẩm của Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tiến Chung để chào hàng. Tuy nhiên, không cần thẩm định gì nhiều, ai cũng nhận thấy, đây là tranh giả với những nét vẽ quá tệ.

Do dịch Covid-19, nhà đấu giá Drouot đã tiến hành các phiên đấu giá online thay vì đấu giá trực tiếp. Ngày 5-5, nhà đấu giá này đã đưa lên mạng phiên đấu giá "Art du Vietnam" gồm 140 lot bao gồm tranh, tượng, đồ gốm, mỹ nghệ...
Trong nhiều tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhiều người đã đặc biệt lưu ý đến 2 tác phẩm được đề tên của họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tiến Chung. Trong đó, bức tranh sơn mài "Cắt lúa" được cho là của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, sáng tác năm 1970 có mức giá khởi điểm là 6 đến 8.000 Euro. Còn bức bột màu trên giấy "Diễn viên chèo" được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, có mức giá khởi điểm là 1.500 đến 2.000 Euro.

Bức tranh bột màu trên giấy được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái với những nét vẽ quá tệ

Bức tranh bột màu trên giấy được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái với những nét vẽ quá tệ

Ngay lập tức, giới mỹ thuật trong nước đã chỉ ra, Drouot đang bán tranh giả của các danh họa Việt Nam. Bà Hoàng Anh, Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật cho biết, bức tranh sơn mài sắp đấu đã được sao chép một đoạn bố cục từ bức tranh lụa "Mùa gặt" nổi tiếng của Nguyễn Tiến Chung. Xin nhấn mạnh bức tranh gốc được vẽ trên chất liệu lụa mà không phải là sơn mài và hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Thậm chí, bà Hoàng Anh còn so sánh ảnh chụp giữa tranh thật và tranh giả để thấy, trình độ của các tay làm tranh giả ở mức độ... báo động. Những nét vẽ ngây ngô và không thể xuất hiện ở một họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tiến Chung, người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000. Họa sĩ thường sáng tác về người nông dân, nông thôn, thiếu nữ, bộ đội, công nhân Việt Nam bằng phong cách Á Đông sâu đậm.

Trích đoạn bức tranh lụa "Mùa gặt" của họa sĩ Bùi Tiến Chung đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN

Còn bức tranh bột màu của họa sĩ Bùi Xuân Phái, một nhà nghiên cứu mỹ thuật giấu tên đã cho biết, tranh vẽ quá tệ, chỉ ở mức của những người thợ chép tranh. Còn những người có nghề không vẽ như thế và một danh họa thì lại càng không.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, các bức tranh "fake" này đã từ các tay làm tranh giả ở Việt Nam rồi sang Pháp. Bằng cách đánh lận con đen nào đó, chúng đã qua mắt được các nhà thẩm định và góp mặt ở phiên đấu giá. Hoặc cũng có khi, chúng đã được các nhà sưu tầm mua ở một phiên đấu giá quốc tế trước đó. Và sau khi có giấy chứng nhận đàng hoàng, sẽ nghiễm nhiên xuất hiện ở phiên đấu giá lần này.

Kết quả của phiên đấu giá online ngày 5-5 sẽ được đăng tải có giới hạn trên tạp chí của Drouot và với những người yêu mến nghệ thuật Việt Nam, không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận với tạp chí này. Vì vậy, hiện nay, 2 bức tranh giả này đã tìm được nhà sưu tầm hay chưa, cũng không mấy người nắm rõ.

Bức tranh sơn mài được cho là của họa sĩ Nguyến Tiến Chung, được nhà đấu giá Drouot rao bán với giá 6 đến 8.000 Euro

Đặt ra trường hợp xấu nhất, 2 tác phẩm này đã được mua thì thật nguy hại cho hội họa Việt Nam nói chung và tên tuổi của họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tiến Chung nói riêng.

Do vậy, tiếng nói của giới mỹ thuật trong nước là rất quan trọng, góp phần lật tẩy những mánh khóe làm tranh giả và tuồn lên sàn quốc tế. Dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi cũng nên làm và làm đến cùng. Bằng cớ là, năm 2019, nhà đấu giá Sotheby's đã từng đưa lên sàn tranh giả của họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... nhưng sau đó đã phải lặng lẽ gỡ tranh trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong nước.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/tranh-nhai-cua-danh-hoa-bui-xuan-phai-nguyen-tien-chunglen-san-quoc-te/853438.antd