Tránh ngộ nhận về xử lý nợ xấu

Ngày 21-6, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua với 424 đại biểu tán thành, bằng 86,35% tổng số đại biểu Quốc hội. Nghị quyết gồm 19 điều, được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15-8-2017 .

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối năm 2016, tổng cộng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (hơn 150 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ) và nợ xấu mà Công ty mua bán nợ (VAMC) đã mua, nhưng chưa xử lý được (hơn 195 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ) là hơn 345 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Ngoài ra, hiện còn khoảng 4,28% tổng dư nợ có “nguy cơ cao trở thành nợ xấu” khi đến hạn…

Nghị quyết về xử lý nợ xấu có quy định đột phá thí điểm một số cơ chế đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian trước ngày 15-8-2017, trong đó có quy định về quyền thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm; chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường, các hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập; bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, có và không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ; trong lựa chọn tổ chức định giá độc lập mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý...

Cùng với việc NHNN nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng so với mức cũ là 50 triệu đồng, chấm dứt mua lại các ngân hàng thương mại dưới chuẩn với giá 0 đồng, Nghị quyết được thông qua với kỳ vọng tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu hiện hành và mở rộng nguyên tắc thị trường trong hoạt động và quản lý ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Thực hiện Nghị quyết, cần tránh ngộ nhận, không xử lý nợ xấu theo kiểu dùng tiền thuế người dân "trả nợ đậy", không được lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15-8-2017, từ đó dung dưỡng các hành vi thiếu trách nhiệm và trục lợi của các bên liên quan, cả chủ nợ, con nợ và cơ quan quản lý nợ.

Nợ xấu là căn bệnh mãn tính, luôn đi kèm các hoạt động kinh doanh tiền tệ trong kinh tế thị trường, không hình thành chỉ sau một đêm và càng không thể giải quyết chỉ một lần là xong. Những hạn chế về cơ sở pháp lý, cũng như những ngộ nhận và lạm dụng không chỉ làm chậm quá trình xử lý các khoản nợ xấu cũ mà còn gia tăng áp lực nợ xấu mới.

Thực tế cho thấy, về trung hạn và lâu dài, để làm giảm phát sinh nợ xấu mới, bảo đảm đến năm 2020 xử lý và kiểm soát vững chắc nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xuống dưới 3% tổng dư nợ, trong quá trình xử lý nợ xấu cần phải thực hiện nghiêm việc không sử dụng ngân sách nhà nước, vừa quán triệt các nguyên tắc thị trường, vừa thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Đáng chú ý, cần tăng cường chỉ đạo sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế; khắc phục sai sót về trình tự, thủ tục thẩm định cho vay thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản bảo đảm, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng; chủ động nhận diện và đấu tranh với các hành vi trục lợi, che giấu tội phạm và vì lợi ích nhóm. Kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và ngăn chặn từ xa mọi nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33243802-tranh-ngo-nhan-ve-xu-ly-no-xau.html