Tránh nêu gương phương phưởng

Mới đây, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra kết quả xây dựng Đảng ở một cơ quan nọ. Điều phấn khởi là hệ thống báo cáo, văn bản đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Trung ương về phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, cơ quan này đều khẳng định: '100% cán bộ các cấp nghiêm túc, trách nhiệm đăng ký nêu gương và xây dựng kế hoạch thực hiện'.

Đồng chí bí thư cấp ủy còn bày tỏ tự hào, phấn khởi cho biết, năm nào cơ quan cũng tổ chức cho cán bộ viết đăng ký nêu gương, in trên khổ giấy rất đẹp và được lưu giữ cẩn trọng ở mỗi cấp.

Thế nhưng, khi "thực mục sở thị" từng bản đăng ký nêu gương, thành viên đoàn kiểm tra không khỏi băn khoăn, bởi hầu hết các bản đăng ký nêu gương đều trích lại khá đầy đủ nội dung theo hướng dẫn nêu gương của Trung ương. Nội dung nêu gương của nhiều cán bộ được thể hiện khá giống nhau, với những lĩnh vực bao trùm rộng lớn: Tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ... mà không xác định được những việc cụ thể theo chức trách, nhiệm vụ của từng người.

Quả thật, khi tiến hành viết bản đăng ký, mỗi cán bộ, đảng viên phải căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên là lẽ đương nhiên, là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, hướng dẫn của cấp trên, nhất là Trung ương rất toàn diện, rộng lớn vì nó định ra hệ thống chuẩn mực nêu gương-bộ tiêu chí nêu gương để căn cứ vào đó, từng cán bộ lựa chọn nội dung nêu gương cho phù hợp. Theo tinh thần đó, nội dung nêu gương của từng cán bộ, đảng viên cần thực chất, cụ thể, gắn với chức trách, nhiệm vụ, cương vị công tác được giao. Bởi, một đảng viên là công nhân thì không thể nêu gương theo những tiêu chí của đảng viên đảm nhiệm cương vị giám đốc nhà máy, xí nghiệp. Hoặc, đảng viên công tác ở địa bàn nông thôn thì không thể xác định những nội dung nêu gương như một đảng viên là nhà khoa học... Theo đó, việc xác định nội dung nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu sao cho sát với thực tế và nhu cầu tự thân.

Việc lựa chọn nội dung nêu gương là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “... Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “... Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Thế nhưng, thời gian qua, ở đâu đó trong hệ thống chính trị vẫn còn một số tổ chức, cá nhân có biểu hiện xem nhẹ hoặc chủ quan đối với công việc này. Thậm chí, nhiều nơi có hiện tượng triển khai đối phó, đăng ký nêu gương chiếu lệ, hình thức và quan niệm số liệu đăng ký nêu gương là kết quả thực hiện chủ trương của Trung ương, chứ chưa đánh giá đúng, trúng, hiệu quả nêu gương của từng cán bộ, đảng viên.

Như vậy, để nêu gương thực chất thì phải lựa chọn rất kỹ càng, thận trọng từng nội dung. Mỗi cán bộ chỉ nên chọn một vài phần việc nêu gương, chứ không thể ôm đồm theo lối phương phưởng, trừu tượng, xa rời chức trách, nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt, cần chú ý phân biệt giữa nội dung nêu gương với tiêu chí cán bộ, đảng viên, để khéo léo lựa chọn một cách hợp lý nhất. Khi lựa chọn nội dung nêu gương cần chọn những việc thật cụ thể, rõ ràng, có tính quần chúng sâu rộng để cấp dưới và người dân thuận lợi trong giám sát, đánh giá và học tập, làm theo.

Lựa chọn nội dung nêu gương đúng, trúng, ngoài trách nhiệm của mỗi cán bộ, thì bí thư cấp ủy có vai trò đặc biệt quan trọng. Những người đứng đầu không chỉ phải mẫu mực nêu gương, mà còn giữ vai trò "thợ cả", trực tiếp bày vẽ cách làm; định hình phương thức cho mỗi hành vi, hoạt động nêu gương của cán bộ thuộc quyền. Cùng với đó, tổ chức đảng phải là nơi thẩm định, xem xét, đưa ra quyết định cuối cùng về nội dung nêu gương từng cán bộ; đồng chí, đồng đội và quần chúng phải là những chủ thể theo dõi, giúp đỡ, giám sát, đánh giá hiệu quả nêu gương của cán bộ, đảng viên. Có như vậy, việc nêu gương mới đi vào thực chất và dần khắc phục tình trạng nêu gương... phương phưởng như vừa qua ở một số nơi!

Theo QĐND

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dien-dan/tranh-neu-guong-phuong-phuong-115297