Tranh Mandala Phật đá quý tiếp tục đề cử xác lập kỷ lục châu Á

Sáng 16/3, Đức Gyalwang Drukpa khai mở bức tranh đá quý Mandala Phật Quan Âm. Tác phẩm công bố xác lập kỷ lục Việt Nam cho thể loại tranh Mandala Phật Quan Âm.

Trụ trì Đại Bảo tháp Tây Thiên - Thầy Tì kheo ni Thích Minh Giác nhận bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam cho tác phẩm.

Trụ trì Đại Bảo tháp Tây Thiên - Thầy Tì kheo ni Thích Minh Giác nhận bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam cho tác phẩm.

Thầy Tì kheo ni Thích Minh Giác nhận kỷ niệm chương từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.

Lợi ích chiêm bái Mandala

Đây là một công trình không chỉ có giá trị tâm linh mà còn mang giá trị nghệ thuật văn hóa mang tư tưởng của Phật giáo Kim Cương thừa, đó là tình thương yêu, những giá trị nhân văn cao đẹp.

Đó cũng là truyền thống tình người, yêu hòa bình thấm đẫm trong tư tưởng của người dân Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử của mình.

Đây là điểm tương đồng giữa những giáo lý của đạo Phật với tư tưởng của dân tộc Việt.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam - ông Thang Văn Phúcchia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì những giá trị này được hoằng truyền rộng rãi, tạo động lực mới cho quá trình phát triển của đất nước và con người Việt Nam”. Ban tổ chức đang lập hồ sơ đề cử xác lập kỷ lục châu Á cho tác phẩm.

“Đây là một Mandala vô cùng tôn quý, lần đầu tiên một Mandala lớn như vậy được kiến lập trên thế giới.

Thực hành vi nhiễu và cầu nguyện quanh Mandala sẽ giúp tịnh hóa nghiệp chướng, tích lũy công đức, viên mãn cuộc sống hạnh phúc, an lạc. Mandala không chỉ mang tính nghệ thuật thế gian mà là nghệ thuật tâm linh” – Đức Pháp Vương Drukpa cho biết.

Bức tranh Đại Mandala Ngọc đá quý Phật Quan Âm Đại Bi Thiên Thủ Thiên Nhãn có đường kính lên tới 9m, kích cỡ đặc biệt lớn so với tác phẩm cùng loại thông thường, được dựng trên nền nhà trưng bày 287 m2 và kiến lập miên mật trong thời gian 9 ngày tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên dưới bàn tay tài hoa của các bậc Cao Tăng Truyền thừa Drukpa.

Tác phẩm nghệ thuật này được chế tác từ 35 loại ngọc, đá quý và bán quý được nghiền nhỏ như ngọc bích, hồng ngọc, thạch anh, aven, lapis lazuli….

Các vật liệu được lựa chọn kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hoàn toàn tự nhiên, không qua xử lý hóa chất, không nhiễm ô… để có thể hấp thụ đầy đủ năng lượng gia trì.

Với sự gia trì quán đỉnh điểm đạo sau đó, Đại Mandala mang tới ý nghĩa tâm linh và sự gia trì lớn lao cho các Phật tử và đại chúng nhân dân tham dự Pháp hội (16-18/3).

Trước khi kiến lập Đại Mandala này, chư Ni Đại Bảo Tháp Tây Thiên cùng 20 bậc Cao Tăng đến từ vùng Ấn độ Himalaya cử hành khóa lễ Đại thành tựu Pháp (Drubchen), kết giới Đàn tràng, gia trì, triệu thỉnh Bản tôn Phật Quan Âm và năng lượng tích cực, trì tụng các chân ngôn linh thiêng cùng lễ nhạc Phật giáo trong lòng Đại Bảo Tháp và tại địa điểm kiến lập Mandala trong khuôn viên Đại Bảo Tháp.

Chư ni Tây Thiên thực hành nghi lễ cúng dàng Mandala.

Đại Mandala được an vị tại cổng phía Nam của Đại Bảo Tháp, là phương của Đức Phật Bảo Sinh, chủ về Tăng ích. Việc an vị Đại Mandala Phật Quan Âm Đại Bi theo hướng này có mục đích giúp Thần lực gia trì từ Mandala ban trải khắp tất cả vùng miền đất nước, đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi người.

Trong quá trình kiến lập Mandala và trong suốt thời gian 3 ngày của Pháp hội Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, Đức Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa sẽ liên tục cử hành khóa lễ cầu nguyện triệu thỉnh Đức Phật Quan Âm giáng lâm vào trung tâm Mandala để ban gia trì.

Nhờ năng lực cầu nguyện, thiền định của Đức Gyalwang Drukpa và chư Tăng Ni, Mandala trở thành cõi Tịnh độ của Đức Quan Âm, chứa đựng tinh túy giác ngộ của Ngài.

Vì thế, các Phật tử tham dự Pháp hội, chiêm bái Đại Mandala với tâm chí thành thanh tịnh, nghe âm thanh nghi lễ và trì tụng từ Pháp hội… có thể đón nhận sự gia trì Đại Bi, tăng trưởng phẩm chất giác ngộ, tiêu tan những tai nạn, ám chướng, hiểm họa.

Chư ni Drukpa trình diễn vũ điệu múa Mangalam - Phật giáo Kim Cương thừa vùng Himalaya.

Khi chiêm ngưỡng Mandala, bạn nên tạm quên những vướng bận thế gian: các kế hoạch, cuộc hẹn, những mơ ước, mong mỏi...

Hãy chậm rãi quan sát từ ngoài vào trong Mandala, cuối cùng dừng lại ở giọt Minh điểm, tức là điểm nằm ở chính giữa trung tâm Mandala, nêu biểu cho Tính không.

Bạn cần chăm chú nhưng không quá tập trung, để ánh mắt tự nhiên hướng vào cảnh giới linh thiêng bên trong Mandala, và nhờ cảnh giới linh thiêng đó đi vào Tính không.

Hãy thiền định về Mandala này và bạn sẽ khám phá ra một thế giới mới. Trước tiên bạn sẽ nhận ra cõi giới nội tâm từ trước đến nay mình chưa từng biết đến. Cuối cùng, bạn sẽ có thể trải nghiệm thế giới nhiệm mầu này ngay trong đời sống hàng ngày.

Hàng nghìn người dân và Phật tử chờ đón Đức Pháp Vương khai mở Mandala.

Nghệ thuật kiến lập Mandala

Trong các loại hình nghệ thuật Phật giáo Kim Cương thừa, vẽ tranh bằng cát màu đứng đầu về tính độc đáo và mức độ tinh xảo.

Hàng triệu hạt cát được kỳ công sắp đặt vào một mặt phẳng trong thời gian nhiều ngày, tạo thành một đồ hình về tâm giác ngộ và cảnh giới giác ngộ.

Chất liệu được sử dụng trong kiến lập Mandala là cát nhuộm màu được nghiền từ đá quý, bán quý, hoa, thảo dược và các loại hạt nhuộm màu.

Đầu tiên, thiết kế Mandala được vẽ trên nền bằng cách đo đạc và vẽ những đường nét kiến trúc bằng cách sử dụng thước kẻ, compa và bút mực hay phấn.

Sau khi hoàn tất sơ đồ, trong những ngày tiếp theo, chư Tăng công phu đổ hàng triệu hạt ngọc và đá quý vào đúng vị trí tương ứng.

Các Ngài đeo khẩu trang để tránh phả hơi thở vào Mandala đang được kiến lập. Mỗi vị tăng được cử tới một trong bốn cửa Mandala thẳng hàng với nhau qua các điểm, làm việc ở góc phần tư đó cùng với nhóm của mình cho đến khi hoàn thiện.

Những vị tăng hỗ trợ đổ đầy ngọc/bột đá quý vào những hình vẽ trong khi các vị tăng cao cấp hơn phụ trách việc hoàn thiện các chi tiết.

Việc thêm bột màu hoặc bột đá quý luôn bắt đầu từ phần chính giữa nơi Phật Bản Tôn Quan Âm an trụ.

Nhà trưng bày tuyệt tác Mandala đá quý Phật Quan Âm.

Trong nghệ thuật kiến lập Mandala, cát thông thường được nhuộm bằng các loại màu thảo dược và được rót lên mặt phẳng Mandala bằng một phễu kim loại nhỏ được gọi là “chakpur” được kéo bằng một sợi dây kim loại để tạo ra rung động đủ khiến các hạt cát chảy ra khỏi phễu xuống hình vẽ theo chủ ý của người kiến lập.

Hai phễu chakpur là biểu tượng cho sự hợp nhất của trí tuệ và lòng bi mẫn. Với việc kiến lập Đại Mandala Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, do vật liệu sử dụng là hạt ngọc đá quý nhiều màu sắc, nên đa số các chất liệu tự nhiên này không cần nhuộm màu mà được dùng trực tiếp.

Một đặc điểm khác là 20 hành giả được lựa chọn để kiến lập Mandala trong truyền thống tu tập Drukpa đều là các bậc Cao Tăng và thiện xảo về nghệ thuật Mandala, nên để giữ và truyền năng lượng trong khi tác pháp, các Ngài không cần dùng đến phễu Chakpur mà sẽ trực tiếp dùng tay rắc rải các hạt ngọc đá quý này lên đồ hình Đại Mandala được phác họa trước đó trên nền phía nam Đại Bảo Tháp.

Quá trình hòa tan Mandala

Đại Mandala ngọc đá quý sẽ được chư Tăng Ni Đại Bảo Tháp Tây Thiên giữ lại một khoảng thời gian để du khách thập phương chiêm bái.

Sau đó sẽ có một lễ gia kế tiếp rất công phu, trước khi đến bước cuối cùng là quá trình hòa tan. Chư Tăng sẽ vun ngọc đá quý đã dùng để kiến lập Đại Mandala vào phần trung tâm của Mandala. Cách thức này ngược với quá trình kiến lập để thể hiện tính vô thường của vạn pháp trên thế gian.

Trong tiến trình hòa tan này, hình vẽ các vị Phật Bản tôn sẽ được xóa cẩn thận theo trình tự trên, tiếp đến hầu hết hạt ngọc đá quý của Đại Mandala sẽ được đổ vào bình, bọc bằng lụa và thả xuống biển, sông lớn và suối gần nơi kiến lập để nước mang các năng lượng tích cực đi khắp thế giới chữa lành cho môi trường, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, và đem sự gia trì may mắn đến với đất nước Việt Nam và toàn bộ vũ trụ.

Phần bột ngọc đá quý còn lại từ Mandala dự kiến sẽ được chia cho đại chúng theo từng phần nhỏ. Vì Mandala là đàn tràng hiện thân Thân Khẩu Ý giác ngộ của Đức Phật Quan Âm và vô lượng chư Phật, nên từng hạt ngọc đá quý cũng có tác dụng kỳ diệu như Xá lợi Phật.

Chư ni Tây Thiên tặng quà cho học sinh tại buổi lễ.

Trong Kinh có dạy nếu đặt cát Mandala lên đỉnh đầu và chú nguyện chân ngôn Lục Tự Đại Minh “Om Mani Padme Hung” có thể tiêu trừ vô lượng nghiệp chướng sinh tử luân hồi, hoặc giúp người lâm trọng bệnh tiêu trừ bệnh chướng.

Nếu đặt bột ngọc đá quý này lên đỉnh đầu người sắp qua đời, người vừa chết, lúc liệm hoặc lúc chôn sẽ giúp người chết không bị đọa xuống ba đường ác (Ngã quỷ, Địa ngục, Súc sinh) và được giải thoát.

Ngoài ra, dùng bột ngọc đá quý từ Đại Mandala rắc quanh nhà mới, văn phòng, vườn tược… sẽ có tác dụng tịnh hóa các năng lượng tiêu cực và mang tới sự gia trì cát tường, bình an cho những người sống hay làm việc tại đó.

An Nhiên

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/van-hoa/tranh-mandala-phat-da-quy-tiep-tuc-de-cu-xac-lap-ky-luc-chau-a-post184573.gd