Tranh luận xử lý đối tượng tham nhũng ngoài nhà nước

Có nên mở rộng xử lý đối tượng tham nhũng ở lĩnh vực ngoài nhà nước hay xử lý thế nào với tài sản bất minh là những nội dung thu hút nhiều ý kiến tranh luận khi đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu ý kiến về án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn.

Đối tượng nào bị xử lý về tham nhũng?

Ngày 21/11, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) nêu quan điểm cần thiết mở rộng (đối tượng điều chỉnh ra lĩnh vực ngoài nhà nước) vì đã có nhiều nước thực hiện và pháp luật hình sự của Việt Nam đã quy định.

“Trong chính sách hình sự của nhà nước ta từ nhiều năm nay đã và đang xử lý những người không phải là CBCC với vai trò đồng phạm trong các vụ tham ô, hối lộ. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) cũng đã quy định xử lý người có chức vụ, quyền hạn trong các DN, tổ chức ngoài nhà nước là chủ thể trong các tội tham ô tài sản và hối lộ. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này sẽ phù hợp với Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, mức mở rộng cần tương thích giữa 2 đạo luật”- ông Nguyễn Quang Dũng nói.

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, đây là điểm nổi bật trong sửa đổi luật lần này, phù hợp với công ước quốc tế và chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước.

Theo đại biểu, điều này thể hiện sự đổi mới tư duy trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng khi phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với khu vực tư cũng được ưu tiên phát triển lớn mạnh và khi một người hoặc một nhóm người thuộc khu vực này được trao quyền lực, nhưng sử dụng quyền lực đó để vụ lợi thì cũng ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người, lợi ích của cộng đồng”- ông Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Đại biểu nói thêm: Việc lợi dụng quyền lực để vụ lợi trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì khu vực công nên phải được coi là hành vi tham nhũng. Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách, nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước.

Ông Hoàng Quang Hàm dẫn chứng, ở Việt Nam đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư, như tại Công ty cho thuê tài chính ALC II (Công ty cho thuê tài chính- thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), hoặc các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng, của khách hàng gửi tiền...

“Đây mới chỉ là bước đầu nên luật tập trung vào phòng, chống tham nhũng tại các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, các quỹ, các tổ chức xã hội, tôi cho là phù hợp vì kinh nghiệm cho thấy tham nhũng xảy ra tại các đơn vị này ảnh hưởng đến nhiều người và nếu tham nhũng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng”- ông Hoàng Quang Hàm nêu quan điểm.

Tranh luận về việc mở rộng đối tượng áp dụng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói, ông băn khoăn với việc mở rộng diện phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước.

Đại biểu phân tích: Tội phạm tham nhũng là một tội phạm đòi hỏi một chủ thể đặc biệt, phải là một chủ thể đặc biệt cho nên không phải ai cũng có thể vào diện tham nhũng được. Cho nên một chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ nhưng không thể gọi là đồng phạm của tội tham nhũng.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu quan điểm khác, đó là không nên lựa chọn phương án rộng hay hẹp về mặt đối tượng mà cần chọn được đối tượng cần phải kê khai. Với việc lựa chọn này, sẽ đạt mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bất lực với tài sản “bất minh”!

Góp ý ở một khía cạnh khác liên quan đến xử lý tài sản “bất minh”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp (bất minh).

“Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ”- bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu nói tiếp: Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án.

Theo đại biểu, một trong những kỳ vọng của cử tri đặt ra đối với việc sửa luật lần này là phải giải quyết được vấn đề nêu trên. “Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo chúng tôi nhận thấy dự thảo vẫn chỉ xử lý đối với người kê khai không đúng. Cụ thể là nếu như người đó đang được dự kiến bổ nhiệm thì sẽ không được bổ nhiệm nữa và nếu như người đó đã được bổ nhiệm thì tùy theo mức độ mà có thể bị cách chức hoặc giáng chức. Đối với khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ không có cơ chế xử lý giống như hiện nay”- bà Nguyễn Thị Thủy nói.

Theo giải thích của Ban soạn thảo, việc không bổ sung quy định nêu trên để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, nguyên tắc trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước. Theo đó, muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì chính các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình. Nhưng đại biểu Nguyễn Thị Thủy có quan điểm khác Ban soạn thảo. Theo đó, tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu rồi mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm là rất cao. Do đó, nếu không có các thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên khung khổ pháp lý thông thường sẽ không thể xử lý.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tranh-luan-xu-ly-doi-tuong-tham-nhung-ngoai-nha-nuoc.aspx