Tranh luận về việc có nên cắt điện, nước đối với cá nhân, tổ chức vi phạm?

Hai luồng ý kiến về việc bổ sung biện pháp 'ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước' trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự thảo luật bổ sung trường hợp tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết.

Tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy

Liên quan đến vấn đề tạm giữ người theo thủ tục hành chính, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về các trường hợp tạm giữ người để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, ông Tùng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm rằng dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người.

Trong đó trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, trường hợp “tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” là phù hợp để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng các biện pháp này.

Theo ông Tùng: Đối với việc bổ sung trường hợp “tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt” có mục đích chủ yếu chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính như: phạt tiền, phạt cảnh cáo là chưa tương xứng, không phù hợp để coi là “trường hợp cần thiết” có thể hạn chế quyền đi lại của công dân theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Tùng cho biết, dự thảo luật đã bỏ quy định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với trường hợp này.

“Bên cạnh đó, liên quan đến việc bổ sung trường hợp “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy” nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, bảo đảm tính khả thi của quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn của liên ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, công an đang được áp dụng.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nội dung này đã được chỉnh lý xác định rõ đối tượng bị tạm giữ, cụ thể là “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy” - ông Tùng cho hay.

2 phương án về cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước

Một vấn đề đã được tranh luận từ kỳ họp thứ 9 là bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước" song đến nay cũng vẫn chưa có sự thống nhất. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Một số ý kiến tán thành bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Còn một số ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Từ 3 loại ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý còn hai loại ý kiến. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, vì qua tổng kết thi hành luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm; tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Do vậy, đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Do còn có ý kiến khác nhau nên dự thảo luật đã thể hiện 2 phương án theo 2 loại ý kiến để tiếp tục xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Mai Loan - Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tranh-luan-ve-viec-co-nen-cat-dien-nuoc-doi-voi-ca-nhan-to-chuc-vi-pham-521238.html