Tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm biến đổi gen

Các tổ chức FAO, WFP, IFAD. WHO và UNICEF đã cảnh báo rằng, sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực thực phẩm, sự gia tăng nạn đói và suy dinh dưỡng cao đang là mối quan tâm toàn cầu.

Các phát minh và áp dụng công nghệ sinh học trong đó có cây trồng biến đổi gen, được coi là một trong số nhiều giải pháp giúp đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm toàn cầu do có nhiều tác động to lớn lên đời sống Kinh tế - Xã hội – Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen lên sức khỏe con người.

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình an ninh lương thực thực phẩm ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Tỷ lệ thiếu ăn vẫn còn cao, đặc biệt là ở Tây Nguyên miền núi phía Bắc và các vùng hay gặp thiên tai. Năng lượng khẩu phần ít thay đổi, nhưng cơ cấu năng lượng khẩu phần thay đổi theo hướng gia tăng tỷ lệ lipid và protein trong khẩu phần. Mức tiêu thụ thực phẩm giàu glucid đã qua chế biến, mức tiêu thụ quả chin cũng như các thức ăn động vật tăng lên rõ rêt. Sự thay đổi năng lượng khẩu phần này cần được kiểm soát kịp thời để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Cây trồng biến đổi gen đã bắt đầu được phổ biến rộng rãi từ năm 1996, được coi là một trong số nhiều giải pháp giúp đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu. Cây trồng biến đổi gen có nhiều tác động to lớn lên đời sống Kinh tế - Xã hội – Môi trường, đặc biệt là công nghệ biến đổi gen kháng sâu bệnh và chống chịu thuốc trừ cỏ đã giúp làm giảm 8,2% lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng, tăng thu nhập cho các nông hộ 186,1 tỉ USD, tăng 659 triệu tấn sản lượng nông nghiệp trên toàn cầu và làm giảm 27,1 tỉ khí thải nhà kính. Đã có hàng triệu người người trên thế giới sử dụng thực phẩm biến đổi gen mà không có bằng chứng nào chứng tỏ chúng có tác dụng tiêu cực đến sức khỏe con người. Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cây trồng biến đổi gen nói chung và thực phẩm biến đổi gen nói riêng đã bắt đầu xuất hiện và trở nên càng ngày càng phổ biến, nhưng còn một số giống chính năng suất cao (ví dụ như ngô) chưa được phê duyệt sử dụng.

Hiện nay, còn có nhiều tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen lên sức khỏe con người. Tuy nhiên, đa phần các tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như WHO, FAO, FDA, EPA đều khẳng định rằng: Thực phẩm biến đổi gen là an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen và chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người.

Hội thảo khoa học Dinh dưỡng, An ninh và An toàn thực phẩm trong bối cảnh Hội nhập.

Hội thảo khoa học Dinh dưỡng, An ninh và An toàn thực phẩm trong bối cảnh Hội nhập.

Tại Hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, An ninh và An toàn thực phẩm trong bối cảnh Hội nhập” được tổ chức bởi Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Tổ chức CropLife Việt Nam ngày 18/9/2018, các chuyên gia cũng cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để người tiêu dùng có cái nhìn chính xác, khoa học về cây trồng và thực phẩm biến biến đổi gen. Trong thời gian tới, cần tiến hành các nghiên cứu về khả năng áp dụng, tác động của công nghệ biến đổi gen lên đời sống Kinh tế - Xã hội – Môi trường trên nhiều vùng khác nhau trong đó có Việt Nam, cũng như các thử nghiệm dài hạn về tác động của thực phẩm biến đổi gen mới lên tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe. Cần xây dựng các chính sách, quy định chặt chẽ về việc dán nhãn, nhất là cần ghi rõ đó là loại thực phẩm gì, để người tiêu dùng được biết và lựa chọn.

PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đã đưa ra thông tin về Xu hướng tiêu thụ thực phẩm của người Việt Nam từ năm 1985 đến nay: “Trong những năm 1985, năng lượng khẩu phần do lipid và protein cung cấp rất thấp nhưng đến gần đây, năng lượng do 2 yếu tố này cung cấp đã tăng lên đáng kể, mức tiêu thụ lương thực thực phẩm của người Việt Nam được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên tình trạng nghèo đói vẫn còn tồn tại ở Việt Nam tại 1 số vùng nghèo, vùng khó khăn và an ninh, an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề tồn tại và cần nhiều giải pháp để đảm bảo sự phát triển toàn diện và bền vững”.

Liên quan đến những tranh cãi xung quanh cây trồng và thực phẩm biến đổi gen, Ts-Bs Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam đưa ra các chủ đề mà hiện nay các nhà khoa học về Dinh dưỡng, Y tế, Nông nghiệp trong toàn cầu đang tranh luận như: Sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen, Giá trị dinh dưỡng của thực phẩm biến đổi gen, Quy trình kiểm tra chặt chẽ đối với thực phẩm biến đổi gen,… Các nhà khoa học tại Hội thảo đã đưa ra các bằng chứng tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen lên sức khỏe con người. Tuy nhiên, đa phần các tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như WHO, FAO, FDA, EPA đều khẳng định rằng: Thực phẩm biến đổi gen là an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen và chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người.

PV

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/tranh-luan-ve-tinh-an-toan-gia-tri-dinh-duong-cua-thuc-pham-bien-doi-gen-15799.html