Tranh luận về bản án 15 năm tù của 'Nữ hoàng ngà voi'

Trước, trong và sau khi Tòa án Tanzania công bố bản án 15 năm tù giam đối với bà Dương Phụng (Phượng) Lan, nữ doanh nhân người Trung Quốc, có biệt danh 'Nữ hoàng ngà voi'.

Theo giới truyền thông, bản án kể trên được tuyên vào ngày 19-2 và cùng đứng trước vành móng ngựa với bà Dương Phụng Lan hôm đó còn có 2 đối tượng người Tanzania (Salivius Matembo và Manase Philemon) - đều phải nhận án 15 năm tù giam.

Ngoài bản án 15 năm tù dành cho mỗi người, họ còn phải nộp phạt 12,9 triệu USD - gấp đôi giá trị số ngà voi (đã buôn lậu 860 ngà voi với tổng trị giá 5,6 triệu USD, trong giai đoạn 2000-2004) mà các đối tượng buôn lậu tính theo giá thị trường, hoặc phải nhận thêm 2 năm tù giam.

Cả 3 bị cáo kể trên cùng bị cáo buộc phạm tội danh tổ chức, quản lý và tài trợ một tập đoàn tội phạm. Thẩm phán Huruma Shaidi của Tòa án thành phố Dar es Salaam là người đưa ra bản án kể trên. Theo các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, bản án vừa tuyên còn quá nhẹ.

"Hình phạt chẳng tương xứng với tội ác săn trộm hàng nghìn con voi mà bà ấy gây ra", Giám đốc Quỹ Động vật hoang dã thế giới ở Tanzania Amani Ngusaru tuyên bố. Trong khi đó, dư luận chung đều hoan nghênh động thái đưa bà Dương Phụng Lan ra xét xử là bằng chứng cho thấy, chính phủ Tanzania nghiêm túc trong cuộc chiến chống nạn săn bắt động vật hoang dã.

“Nữ hoàng ngà voi” Dương Phụng Lan khi ra hầu tòa.

“Nữ hoàng ngà voi” Dương Phụng Lan khi ra hầu tòa.

Theo các công tố viên, bà Dương Phụng Lan là doanh nhân từng điều hành một trong những đường dây buôn lậu ngà voi lớn nhất châu Phi. Gần 3,5 năm trước (tháng 10-2015), bà Dương Phụng Lan bị bắt (vừa từ Uganda trở về Tanzania sau một thời gian mất tích) với cáo buộc buôn lậu ngà voi cùng với 2 người doanh nhân Tanzania (Salivius Matembo và Manase Philemon), nhưng cả 3 đều phủ nhận các cáo buộc của cảnh sát.

Tuy nhiên, các công tố viên có đủ bằng chứng cho thấy, bà Dương Phụng Lan đã tổ chức, quản lý và tài trợ cho các hoạt động thu thập, vận chuyển và bán các sản phẩm ngà voi với trọng lượng lên tới 1.889kg. Trước khi bị bắt, bà Dương Phụng Lan bị điều tra hơn 1 năm và khi đó "Nữ hoàng ngà voi" là doanh nhân nổi tiếng, đang điều hành một nhà hàng Trung Quốc (Beijing Restaurant) và một công ty đầu tư tại thành phố Dar es Salaam (Beijing Great Wall Investment).

"Dương Phụng Lan có vai trò lớn trong quá trình giết hại động vật - giúp mua súng và đạn dược cho những tay săn trộm. Bà ta còn là cầu nối giữa lái buôn địa phương với thị trường quốc tế", một quan chức cấp cao của Tanzania cho biết, sau khi bà Dương Phụng Lan bị bắt.

Khi đó, tờ The Washington Post cho biết, cảnh sát Tanzania vừa giữ 1 phụ nữ có biệt danh "Nữ hoàng ngà voi" vì đang cố gắng tẩu thoát khi bị vây bắt, vì tội buôn lậu 706 bộ ngà voi trong hơn 15 năm qua. Vẫn theo tờ The Washington Post, bà Dương Phụng Lan đã sử dụng quan hệ với tầng lớp thượng lưu Trung Quốc và Tanzania để vận chuyển ngà voi đi khắp thế giới, thu lời bất chính hàng triệu USD.

Giới truyền thông cho biết, sau khi tới Tanzania sinh sống từ thập niên 1970 (khi Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt ở Tanzania vì thông thạo tiếng Swahili), bà Dương Phụng Lan đã làm việc cho Thương hội Trung Quốc tại quốc gia Đông Phi này và sở hữu một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố Dar es Salaam (lớn nhất và giàu có nhất Tanzania).

Và nổi danh với tư cách Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc - châu Phi ở Tanzania (Tanzania China - Africa Business Council), cùng biệt danh "Nữ hoàng ngà voi" sau khi kinh doanh trong lĩnh vực này và chuyển gần 2 tấn ngà voi tới châu Á tiêu thụ.

Gần 3 năm trước (tháng 3-2016), Tanzania từng kết án 2 người đàn ông Trung Quốc với mức án 35 năm tù giam vì buôn lậu ngà voi. Trước đó (tháng 12-2015), 4 người đàn ông Trung Quốc bị tòa án Tanzania tuyên với mức án 20 năm tù mỗi người, sau khi họ bị kết tội buôn lậu sừng tê giác.

Theo giới truyền thông, nhu cầu ngà voi từ các quốc gia châu Á làm gia tăng nạn săn trộm tại châu Phi. Số ngà voi kể trên được sử dụng làm đồ trang sức, trang trí, chữa bệnh và đó là nguyên nhân chính thúc đẩy nạn buôn lậu ngà voi gia tăng.

Do đó, số lượng voi ở Tanzania từ 110.000 con năm 2009 đã giảm xuống chỉ còn hơn 43.000 con năm 2014. Còn theo đánh giá của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nạn săn trộm ngà voi khiến số lượng voi châu Phi sụt giảm 20% trong thập niên qua - số lượng voi giảm xuống còn 415.000 con, giảm 110.000 con trong 10 năm qua.

Việc buôn bán ngà voi bị cấm trên thế giới từ năm 1989, sau khi số lượng voi giảm đáng kể từ hàng triệu con giữa thế kỷ XX xuống còn khoảng 600.000 con vào cuối thập niên 1980. Theo ước tính, mỗi năm có từ 30.000 đến 50.000 con voi bị giết hại lấy ngà - 15 phút lại có 1 con voi bị giết.

Thiện Lân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/tranh-luan-ve-ban-an-15-nam-tu-cua-nu-hoang-nga-voi-534824/