Tranh luận thống kê khách du lịch quốc tế: Tính đúng, nhưng...

TS Bùi Trinh khẳng định, không cần phải tranh cãi cách tính của thống kê, vấn đề là phải nâng cao chi tiêu của khách, quy hoạch lại du lịch...

Phát biểu của một chuyên gia ngành du lịch về thống kê khách du lịch quốc tế Việt Nam tại một hội thảo du lịch tổ chức tại Đà Nẵng mới đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam, con số thống kê du khách quốc tế vào Việt Nam không thực chất do "khách cứ vào đến Việt Nam, qua biên giới, đóng đấu bụp một cái thì đấy là khách du lịch quốc tế và con số chúng ta công bố hàng năm của ngành du lịch chính là con số này".

Ông Lương cho rằng trong con số này có cả khách quốc tế vào Việt Nam nhưng để đi lao động, học tập, chưa kể những người này một năm đi ra đi vào nhiều lần.

Ở góc độ một chuyên gia thống kê, TS Bùi Trinh thể hiện một quan điểm khác. Ông Trinh khẳng định con số khách du lịch của ngành thống kê là đúng, bởi theo quy định của Tổ chức Du lịch thế giới, những người đến một quốc gia khác lưu trú qua 1 đêm đều được tính vào du lịch.

Cây cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà Hill, Đà Nẵng thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan

Cây cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà Hill, Đà Nẵng thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan

Bởi vậy, vị chuyên gia cho rằng, không nên nói chuyện thống kê tính đúng, tính sai. Chưa kể, khái niệm du lịch ở Việt Nam vẫn được hiểu rất mù mờ. Theo phân ngành của Liên hợp quốc, du lịch chỉ là vấn đề lữ hành, nhưng ở Việt Nam, các cấp quản lý lại hiểu rằng khách du lịch đến Việt Nam đi vào vận tải, thương mại, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí...

"Mỗi cái đó lại đi vào ngành riêng của nó. Đã có cơ quan nào công bố chính thức giá trị sản xuất hay giá trị tăng thêm đóng góp vào GDP của ngành du lịch là bao nhiêu hay chưa?", TS Bùi Trinh đặt câu hỏi.

Nhắc lại vấn đề của ngành du lịch không phải là thống kê, vị chuyên gia cho rằng, điều quan trọng của ngành du lịch là phải có cuộc điều tra tỉ mỉ, khoa học biết được du khách muốn gì khi đến Việt Nam, họ đến từ nước nào, khả năng chi tiêu của họ ra sao... để từ đó tìm cách nâng cao chi tiêu của khách du lịch.

Lý giải cho đề nghị này, ông Trinh kể lại câu chuyện về khách du lịch Trung Quốc với những tour 0 đồng.

"Cách đây một, hai năm, tôi vào Nha Trang mà tưởng như đi du lịch nước ngoài bởi chỉ nghe thấy toàn tiếng Trung Quốc. Mà khách Trung Quốc không chi tiêu gì, nếu có chi tiêu là chi tiêu cho họ bằng cách sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển... của người Trung Quốc, thậm chí mua đồ lưu niệm cũng vào cửa hàng của người Trung Quốc. Tất cả những thứ ấy khiến Việt Nam không thu được gì", TS Bùi Trinh nhận xét.

Bên cạnh đó, phải quy hoạch du lịch một cách tử tế. Theo TS Bùi Trinh, việc phát triển du lịch ở Việt Nam "chưa đâu vào đâu".

"Các bãi biển của Việt Nam rất đẹp nhưng còn mấy nơi chưa bị bê tông hóa? Từ bé đến lớn tôi sống ở Nha Trang, thích tắm biển là ào xuống, bãi biển rất hoang sơ. Còn bây giờ, muốn xuống biển phải đi qua nhà hàng, resort với lối đi rất nhỏ, trông rất phản cảm. Ấy là vì có gì bán được người ta đã bán hết.

Thêm vào đó, thái độ của người dân nhiều nơi đối với khách du lịch rất kém, không chỉ là chuyện "chặt chém". Vì thế, một trong những việc cần làm ngay hiện nay là phải nâng cấp văn hóa, trong đó có văn hóa du lịch", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11/2019 đánh dấu mốc mới của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số khách quốc tế đến nước ta trong 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta từ châu Á đạt 12.978,8 nghìn lượt người, chiếm 79,6% tổng số khách quốc tế, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng:

Trung Quốc đạt 5.248 nghìn lượt người, tăng 15,1%; Hàn Quốc đạt 3.866,1 nghìn lượt người, tăng 22,3%; Nhật Bản 872,2 nghìn lượt người, tăng 15,4%; Đài Loan 846,2 nghìn lượt người, tăng 30,2%; Malaysia 535,9 nghìn lượt người, tăng 12,9%; Thái Lan 451,2 nghìn lượt người, tăng 47,1%.

Bên cạnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có số khách đến nước ta giảm như: Lào đạt 90,7 nghìn lượt người, giảm 18,3%; Hồng Kông đạt 35,4 nghìn lượt người, giảm 37,5%.

Khách đến từ châu Âu 11 tháng ước tính đạt 1.985,3 nghìn lượt người, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các thị trường.

Khách đến từ châu Mỹ 11 tháng ước tính đạt 891,8 nghìn lượt người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 683,9 nghìn lượt người, tăng 8,2%.

Khách đến từ châu Úc đạt 399,6 nghìn lượt người, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018.

Khách đến từ châu Phi đạt 42,9 nghìn lượt người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/tranh-luan-thong-ke-khach-du-lich-quoc-te-tinh-dung-nhung-3393070/