Tranh luận thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công

Một trong những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau là thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiệm kỳ 5 năm vừa qua có 9.600 dự án đầu tư công

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiệm kỳ 5 năm vừa qua có 9.600 dự án đầu tư công

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đề nghị giao Chính phủ quyết định danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn

10 năm mới có 2 dự án trọng điểm quốc gia

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành. Trong khi đó, Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

Cho rằng không cần thiết phải sửa đổi tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, ĐB Hoàng Quang Hàm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nói: "Quốc hội khóa XIII và XIV chúng ta chỉ có 2 dự án trình Quốc hội. Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ có thể không còn dự án nào trình Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải, một trong những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau là thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ủy ban ban thường vụ Quốc hội và đa số ĐBQH đề nghị quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch này, bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương.

Trong khi đó, Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

Thảo luận tại Hội trường, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, nên giao cho Chính phủ quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn như “một cách phân cấp”. Quan điểm này không nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham gia thảo luận.

Ủng hộ quan điểm phân cấp, phân quyền nhưng theo ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), cách phân cấp, phân quyền phải đúng nghĩa.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính- ngân sách cũng cho rằng, Quốc hội quyết định danh mục dự án đầu tư công thể hiện tính hợp hiến, hợp pháp. "Việc quyết định danh mục dự án chính là việc phân bổ 2 triệu tỷ đồng đầu tư công trung hạn, đây là tiền thuế của dân và Quốc hội không thể không xem xét nội dung này. Nếu giao quyết định thì đồng nghĩa giao Chính phủ quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, như vậy là ngược quy trình, không hợp lý", bà Mai nói.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong phần giải trình làm rõ thêm các ý kiến, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Tôi không coi đây là cuộc tranh luận căng thẳng về quyền lực giữa Chính phủ với Quốc hội. Đây là những ý kiến góp ý tâm huyết để làm sao thiết kế được bộ luật phù hợp, theo theo tinh thần cải cách hành chính, phân cấp nhiều hơn, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công”.

Theo ông Dũng, dự thảo lần này đã khắc phục việc phân cấp, làm rõ quy trình, đơn giản hóa các thủ tục, chặt chẽ hơn...

Khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước, ông Dũng cho rằng chỉ có một vấn đề, thực tiễn kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là "một cái khung cho cả 5 năm", còn Quốc hội vẫn quyết định duyệt ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hàng năm.

"Trong khi đó, nhiệm kỳ 5 năm vừa qua có 9.600 dự án. Như vậy, nếu Quốc hội thực hiện quyền của mình để quyết định vấn đề này thì có khả thi không? Luật pháp của ta quy định cấp nào quyết định là cấp đó điều chỉnh.

Trong gần 10 nghìn dự án đó, chúng ta đều hiểu rằng thực tế luôn luôn phát sinh, luôn luôn thay đổi. Các địa phương cũng thế, bộ ngành cũng vậy, dự án được điều chỉnh liên tục. Việc điều chỉnh là hoàn toàn chính đáng, hoàn toàn hợp pháp, hợp lý nhưng đều phải báo cáo Quốc hội. Đời sống một dự án kéo dài khoảng 5 năm. Nếu mỗi dự án chỉ điều chỉnh 5 lần thôi thì khối lượng công việc sẽ lớn đến mức nào?", ông Dũng phân tích.

Từ đây, Bộ trưởng KH-ĐT đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện việc này, Chính phủ phải làm và phải chịu trách nhiệm.

"Quốc hội đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất xem tổng mức đầu tư của cả 5 năm là bao nhiêu, cơ cấu như thế nào, tiêu chí, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên ra sao. Chính phủ sẽ điều hành trong khung do Quốc hội đã quyết. Chính phủ không thể làm khác được. Quyền năng cao nhất là của Quốc hội nhưng việc điều hành cụ thể thì đề nghị giao lại cho Chính phủ. Chính phủ điều hành và chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Dũng đề nghị.

Quốc hội khóa trước hay khóa sau quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn?

Thảo luận về thời điểm quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu ý kiến: Kế hoạch đầu tư công trung hạn căn cứ vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, vấn đề tài chính và nợ công quốc gia. "Nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng phải căn cứ vào chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia. Mà chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia phải sang nhiệm kỳ khóa mới”, ĐB phân tích và nhấn mạnh thêm: "Chúng ta có sợ chậm không? Hoàn toàn không sợ. Vì công tác chuẩn bị, vận hành của bộ máy là dòng chảy liên tục, không phải đến năm 2020 là kết thúc".

Trước đó, khi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết hiện vẫn ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thay đổi thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

Do đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến ĐBQH theo 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1: Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Phương án 2: giữ như quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, theo đó, Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Việc Quốc hội khóa trước chuẩn bị, Quốc hội khóa sau phê duyệt là hợp lý. Chúng tôi chỉ có một vấn đề đang vướng, đó là việc làm thế nào để có cơ sở giao vốn, có thể triển khai ngay trong năm đầu tiên.

Nếu chưa phê duyệt kế hoạch trung hạn 5 năm thì những dự án hàng năm cũng không được giao. Như vậy mất một năm, nhỡ nhịp của các dự án cũng như tính liên tục của các dự án. Hiện tại chúng tôi cũng chưa nghĩ ra phương án nào cho thật khả thi. Quốc hội quyết định như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để thiết kế theo quyết định của Quốc hội”.

T.Bình - T.Tuyết

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tranh-luan-tham-quyen-quyet-dinh-danh-muc-du-an-dau-tu-cong-d422292.html