Tranh luận tăng giờ làm và chuyện 200 công nhân ngất

Công ty Golden Victory Việt Nam có 100% vốn từ nước ngoài, chuyên sản xuất mặt hàng da giày xuất khẩu với 7.200 công nhân.

Ngày 25/10/2019, đoàn Binh chủng Hóa học - Bộ Quốc phòng đã có mặt tại Công ty Golden Victory Việt Nam (Nghĩa Hưng, Nam Định) để làm rõ nguyên nhân gần 200 công nhân làm việc tại đây có biểu hiện ngộ độc khí trong những ngày qua.

Trước đó, vào các ngày 14/10 và 17/10, hàng loạt công nhân làm việc tại khu vực xưởng Công ty Golden Victory Việt Nam có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, khó thở nên được đưa lên phòng y tế của công ty, sau đó xe cứu thương vào và đưa mọi người tới bệnh viện.

Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, nguyên nhân khiến công nhân Công ty Golden Victory Việt Nam bị ngất phải nhập viện là do ngộ độc khí trong điều kiện môi trường làm việc có dung môi hữu cơ cao.

Để giải quyết tình trạng này, trước mắt lãnh đạo Công ty Golden Victory Việt Nam phải nâng cấp hệ thống gió, bổ sung thêm quạt.

Công nhân làm việc tại Công ty Golden Victory Việt Nam nhập viện cấp cứu, nghi do ngộ độc khí.

Công nhân làm việc tại Công ty Golden Victory Việt Nam nhập viện cấp cứu, nghi do ngộ độc khí.

Công ty đã sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, rút bớt máy móc, không để số lượng người trong một xưởng quá đông nên đã đủ điều kiện tiếp tục sản xuất.

Đến ngày 23/10, các công nhân ngộ độc đi làm trở lại thì tiếp tục phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tương tự. Đồng thời nhiều công nhân khác cũng gặp triệu chứng như trên.

Được biết, Công ty Golden Victory Việt Nam có 100% vốn từ nước ngoài, chuyên sản xuất mặt hàng da giày xuất khẩu với 7.200 công nhân.

Cũng liên quan đến vấn đề đời sống công nhân, trong nghị trường Quốc hội ngày 23/10/2019 khi tranh luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đã phải bật khóc khi kể về đời sống của nhiều công nhân phải xa con nhỏ, xa gia đình để làm thêm, tăng thu nhập.

Bà Tâm cho rằng, đề xuất tăng giờ làm thêm hiện nay không phù hợp bởi ngoài vấn đề ảnh hưởng sức khỏe thì người công nhân sẽ mất đi tình cảm, sự quan tâm chăm sóc tới gia đình và con cái.

Bà Tâm quan niệm, không có một công nhân nào tự nguyện làm thêm cả mà đó là sự bắt buộc bởi lương công nhân hiện nay thấp, khiến họ phải tăng ca kiếm thêm tiền.

Vì vậy, vai trò của Quốc hội là phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, có thời gian giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định. Nhân văn chính là bảo vệ quyền con người được hiến định, là tình người trong sử dụng lao động.

Trong khi đó, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tăng giờ làm thêm là thể hiện tính nhân văn. Bởi, việc việc rút ngắn thời gian làm việc bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng, khó đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Theo ông Lộc, giảm thời gian làm việc sẽ dẫn đến giảm tiền lương, làm chậm kế hoạch tăng lương vì doanh nghiệp sẽ tính toán lại. Hơn nữa, năng suất lao động nước ta còn thấp nên tiền lương, thu nhập chưa cao. Giảm giờ làm sẽ giảm thu nhập, người lao động vẫn phải tìm kiếm việc để làm, dẫn đến hệ lụy khó lường.

Vị ĐBQH đánh giá việc giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động, gây chi phí doanh nghiệp tăng, giảm sự cạnh tranh dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, nhiều lao động mất việc làm.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tranh-luan-tang-gio-lam-va-chuyen-200-cong-nhan-ngat-3390162/