Tranh luận nguồn gốc COVID-19 nóng trở lại

Tạp chí Phố Wall vừa dẫn thông tin tình báo chưa từng được tiết lộ nói rằng, vào tháng 11/2019, ba nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) bị ốm với các triệu chứng giống COVID-19 và đã vào viện khám, trước khi đại dịch COVID-19 được xác nhận.

Mặt trước Viện Virus học Vũ Hán Ảnh: Reuters

Thông tin này càng làm tăng thêm sức nặng cho lời kêu gọi phải điều tra đầy đủ hơn về khả năng virus gây đại dịch COVID-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm này.

Nội dung trên được đề cập trong báo cáo từ thời chính quyền Donald Trump, trong đó nói rằng một số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV), trung tâm chuyên nghiên cứu về virus corona và các mầm bệnh khác, đã bị ốm vào mùa thu năm 2019 “với những triệu chứng giống COVID-19 và các bệnh cúm mùa thông thường”.

Các quan chức và cựu quan chức Mỹ nắm được thông tin tình báo về các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán bày tỏ quan điểm khác nhau về sức mạnh của bằng chứng nêu ra trong báo cáo. Một người nói rằng thông tin đó được một đối tác quốc tế cung cấp và có thể rất quan trọng, nhưng cần được điều tra thêm. Người khác khẳng định những thông tin đó rất đáng tin.

“Thông tin mà chúng tôi có được đến từ nhiều nguồn khác nhau và có chất lượng rất tốt. Nó rất chính xác. Điều mà báo cáo không nói đến là lý do chính xác vì sao họ mắc bệnh”, nguồn tin nói vớiTạp chíPhốWall.

Nhiều nhà dịch tễ học và virus học tin rằng tháng 11/2019 là thời gian mà SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch COVID-19, bắt đầu lây lan ở Vũ Hán. Bắc Kinh nói rằng ca mắc đầu tiên được xác nhận ở thành phố này ngã bệnh vào ngày 8/12.

Trung Quốc nhiều lần phủ nhận chuyện virus thoát ra từ các phòng thí nghiệm. Ngày 23/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn báo cáo mà nhóm điều tra do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn dắt công bố sau chuyến thăm Viện Virus Vũ Hán (WIV) nói rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là khả năng cực kỳ khó xảy ra.

“Mỹ tiếp tục thổi phồng lý thuyết về sự rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Họ thực sự quan tâm truy tìm nguồn gốc hay đang cố gây phân tán chú ý?” Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, WIV không chia sẻ với nhóm WHO dữ liệu thô, nhật ký và ghi chép phòng thí nghiệm ở nơi nghiên cứu rất nhiều virus corona từ dơi, loài động vật mà nhiều nhà khoa học cho là có khả năng cao nhất là vật khởi nguồn của virus. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng nhóm nghiên cứu vẫn chưa kiểm tra đầy đủ giả thuyết về sự rò rỉ ở phòng thí nghiệm, nên vẫn cần điều tra thêm.

Có ý kiến cho rằng bài báo của Tạp chíPhốWall xuất hiện trước cuộc họp sắp tới của WHO là để làm nóng vấn đề trở lại. Nhưng chính quyền Biden từ chối bình luận về báo cáo tình báo, chỉ nói rằng tất cả những giả thuyết đáng tin cậy về nguồn gốc của đại dịch nên được WHO và các chuyên gia quốc tế điều tra.

Ðiểm bất thường

Shi Zhengli, chuyên gia hàng đầu về virus corona từ dơi ở WIV, nói rằng virus không thoát ra từ nơi bà đang làm việc. Bà nói với nhóm điều tra của WHO rằng tất cả các nhân viên ở đây đều âm tính với kháng thể COVID-19 và không có sự thay đổi nhân sự nào trong nhóm nghiên cứu về virus corona.

Hồi tháng 2, nhà virus học người Hà Lan Marion Koopmans, một thành viên của nhóm điều tra đến Vũ Hán, nói với NBC Newsrằng một số nhân viên của WIV đã bị ốm vào mùa thu năm 2019, nhưng bà cho rằng đó là do những bệnh theo mùa thông thường. “Thỉnh thoảng bị ốm là chuyện bình thường. Không có gì nổi bật. Có thể 1 hoặc 2 người. Đó không phải chuyện gì lớn”, bà Koopmans nói.

Bắc Kinh thậm chí cho rằng virus có thể bắt nguồn từ bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả phòng thí nghiệm thuộc cơ sở quân sự Fort Detrick ở bang Maryland của Mỹ, rồi kêu gọi WHO điều tra các ổ dịch COVID-19 đầu tiên ở các nước khác. Nhưng hầu hết các nhà khoa học không nhìn thấy bằng chứng gì để củng cố cho ý tưởng virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ, và Nhà Trắng nói rằng không có lý do đáng tin cậy nào để điều tra cơ sở này.

Việc người Trung Quốc vào viện khám chữa bệnh khi bị ốm là chuyện bình thường, vì dịch vụ bác sĩ gia đình chưa phổ biến. COVID-19 và cúm mùa dù là hai bệnh khác nhau nhưng có nhiều triệu chứng giống nhau, như sốt, ho và nhức mỏi. Tuy nhiên, đáng chú ý là việc các thành viên trong cùng nhóm nghiên cứu về virus corona cùng bị ốm và phải vào viện khám với những triệu chứng tương tự nhau, trước khi dịch bệnh được phát hiện.

David Asher, cựu quan chức Mỹ từng dẫn đầu nhóm đặc trách của Bộ Ngoại giao Mỹ để điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 dưới thời Ngoại trưởng Mike Pompeo, phát biểu tại một hội thảo của Viện Hudson hồi tháng 3 rằng ông nghi ngờ việc các nhà nghiên cứu của WIV cùng ốm vào một thời điểm vì cúm mùa thông thường.

“Tôi rất nghi ngờ việc 3 người với trang phục bảo hộ tốt làm việc trong phòng thí nghiệm cấp độ ba lại bị cúm và phải vào viện với các triệu chứng nghiêm trọng cùng trong 1 tuần mà không liên quan gì đến virus corona”, ông Asher nói và cho rằng 3 người này có thể là “ổ dịch COVID-19 đầu tiên được biết đến”.

THU LOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tranh-luan-nguon-goc-covid-19-nong-tro-lai-post1339677.tpo