Tranh luận 'nảy lửa': Giáo viên có nên gọi học sinh là con?

Mới đây trên mạng xã hội rộ lên tranh luận về việc giáo viên có nên gọi học sinh là 'con' như thực tế hiện nay tại nhiều trường.

GS Trần Đình Sử– Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình mới chính là một trong những người “châm ngòi” cho cuộc tranh luận: Giáo viên có nên gọi học sinh là các con?.

Hưởng ứng nhiệt tình cuộc tranh luận này, TS. Nguyễn Đức Mậu, Viện Văn học Việt Nam đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội: “Cực lực phản đối gọi học sinh bằng con”.

Trong khi đó, lại có người lên tiếng dẫn chứng một cách xưng hô khác: “Thầy Trần Quốc Vượng – cây đại thụ của nền Sử học nước nhà toàn gọi học trò là “ông bà”…”.

Cũng theo ý kiến của người này, ở bậc mầm non và tiểu học, thầy cô giáo gọi học sinh là "các con" thì được, thậm chí tốt. Còn từ THCS trở lên thì không nên gọi học trò là "con" nữa. Tuy nhiên, cũng không nên quá cứng nhắc mà để thầy, cô giáo và học sinh tự lựa chọn vì thầy, cô giáo có nhiều độ tuổi khác nhau.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có ý kiến lại cho rằng: “Chuyện xưng hô giữa giáo viên và học sinh rất linh hoạt: Thầy cô trẻ gọi học sinh bằng "em". Thầy cô lớn tuổi (độ 45-50 trở lên) bậc cha chú, cô dì thì học trò sẽ tự xưng "con", nhất là khi giao tiếp ngoài giờ lên lớp.

Thầy cô lớn tuổi, trong tiết học xưng hô: "Tôi- Anh/chị", ngoài tiết học thường "Thầy/cô - Con"… Tùy tuổi tác để xưng hô, Nam bộ phổ biến như thế”.

Vị này cho rằng: “Khi nào cũng xưng hô "anh/chị", nghe nặng nề lắm. Học trò gặp thầy bậc ông, bà, cha, chú mà nói “Tôi chào thầy” thì Nam bộ hầu như hồi nào đến giờ chưa có”.

Những trường hợp cực lực phản đối gọi học trò bằng "con" cũng không ít. Theo đó, họ cho rằng chỉ có cha mẹ mới được gọi đứa trẻ bằng con, tức là chỉ những ai sinh ra cháu bé mới được quyền gọi nó bằng con. Ông bà, chú bác, cô cậu, dì, dượng, thầy cô… tất tật những người còn lại này chỉ được gọi bé bằng cháu. Thầy cô mà gọi học trò là "con" thì thể hiện "thân mật quá trớn”.

Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu, Hà Nội cho rằng, việc xưng hô "thầy/cô- con" là bình thường nếu học sinh còn ở các lớp nhỏ.

Cô Dung dẫn chứng trong quá trình dạy học của mình, học sinh lớp 6 rất thích xưng "con" một cách tự nhiên vì chính học sinh cảm thấy có tình cảm với thầy cô giáo của mình. Thế nhưng khi bắt đầu lên lớp 7 thì rất ít hoặc không có cách xưng hô này nữa.

Cô Dung nói: "Tôi vẫn gọi các trò của mình là các con. Bởi vì, ở các cấp dưới các trò đã quen được gọi như vậy. Khi học sinh lên lớp 6, mới vào trường, vẫn quen cách gọi cũ thì thầy cô gọi “con” để tạo sự thân mật, gần gũi.

Thực tế, giáo viên và học sinh đến thời điểm nào đó nếu cảm thấy không phù hợp nữa thì sẽ không xưng hô như vậy nữa”.

Còn TS. Vũ Thu Hương – chuyên gia tâm lý học thì cho rằng, kể cả học lớp 10,11 rồi nhưng chỉ cần thầy cô có số năm công tác từ 5 năm trở lên thì việc gọi "con" với học sinh không có gì là sai cả.

“Người ta nói cần trọng thầy mới có thể có chữ. Tại sao lại không giữ cách xưng hô trọng lễ nghĩa đó mà phải bẽ chữ, bẻ nghĩa ra?”, TS. Thu Hương nhấn mạnh.

Trở lại với ý kiến của GS. TS Trần Đình Sử, ông bày tỏ: “Mình đào tạo học trò phải đưa họ vào quỹ đạo của văn hóa dân tộc, quỹ đạo của người công dân. Cho nên, mình phải xưng hô với họ theo quan hệ, để sau này họ trưởng thành, thành người có nhân cách, cá tính, tính độc lập, thành con người xã hội chứ không phải con người gia đình”.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, GS. TS Trần Đình Sử đồng ý rằng với các em ở bậc tiểu học thì thầy cô có thể gọi học trò bằng "con", còn các trò lớn hơn thì không nên gọi bằng con.

“Ở trung học cơ sở, gọi các trò bằng "em" cũng được. Nhưng đến trung học phổ thông nên gọi "anh/chị" để các trò ý thức được họ là người lớn, biết biểu đạt như một người lớn. Vì tốt nghiệp phổ thông, các em đã thành người lớn, không thể cứ “cháu cháu”, “con con” rụt rè.

Về phía các trò, có thể xưng “em” với thầy cô cũng được, xưng “tôi” cũng được, giáo viên phải tôn trọng.

Về phía giáo viên, cũng phải tôn trọng trò, nên gọi là "anh/chị"” - GS. Trần Đình Sử nói và cho rằng cần thiết phải thay đổi cách xưng hô trong nhà trường cho dù đụng đến nhiều vấn đề, như tập quán chẳng hạn.

(còn nữa)

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tranh-luan-nay-lua-giao-vien-co-nen-goi-hoc-sinh-la-con-post335305.info