Tranh luận gay gắt về Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia

Quy định không quảng cáo rượu, bia trước và sau các chương trình thể thao, văn hóa; bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet... gây tranh cãi nhiều.

Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet

Ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Trình bày trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Dự thảo Luật không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; quy định cụ thể hơn về việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

Dự thảo Luật quy định quy định các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia, trong đó quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải thực hiện các biện pháp để người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông;

Dự thảo cũng quy định về phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, các bệnh có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị bổ sung quy định cấm bán cả rượu, bia trên internet

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị bổ sung quy định cấm bán cả rượu, bia trên internet

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định về việc không được quảng cáo rượu, bia trong tất cả các chương trình dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên và trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Đồng thời để có thể hạn chế sự tiếp cận của quảng cáo rượu, bia tới trẻ em không chỉ phụ thuộc vào khoảng cách, mà còn kích thước biển quảng cáo, nơi quảng cáo nên dự thảo Luật giao Chính phủ quy định để đảm bảo tính linh hoạt và khả thi.

Quy định về việc quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn trên truyền hình được chỉnh lý theo hướng không được quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 20 giờ hằng ngày tại điểm c khoản 3 Điều 12 và quy định dẫn chiếu tại Điều 13 của dự thảo Luật.

Cùng với đó, rượu, bia là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, nên cần có quy định để quản lý hoạt động tài trợ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Lo vẽ đường cho hươu chạy

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, bày tỏ bất ngờ khi dự thảo lần này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet.

Đại biểu cho biết, thực tế nội dung này đang được quy định tại Nghị định số 105/2017 của Chính phủ. Đây là một biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia cần được xem xét kế thừa. Nhấn mạnh không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đại biểu đề nghị cần bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho rằng, việc bỏ quy định về cấm bán rượu bia từ15 độ cồn trên internet thay vào đó là quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử trong bối cảnh internet ngày càng phổ biến và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ thì việc bỏ chế định trên có phải vẽ đường cho hươu chạy.

Theo đại biểu, báo cáo giải trình lý giải việc bỏ quy định này là vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ tác hại đến đến trẻ em, những đối tượng yếu thế của xã hội. Việc vừa cho rằng không đủ nguồn lực hiện có không đảm bảo, vừa cho phép bán rượu, bia trên internet, trong khi biện pháp kiểm soát là không thể thì nên hiểu đây là sự mâu thuẫn, sự thiếu sót về mặt lập pháp.

Về nội dung tài trợ rượu, bia trong dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng nên thay cấm bằng quy định tài trợ tuân thủ pháp luật đúng với đối tượng và sự kiện. Đối tượng nào, sự kiện nào thì cho tài trợ về sản phẩm còn sự kiện nào, đối tường nào thì không. Ví dụ một tổ chức đang tổng kết vấn đề gì đấy mà có doanh nghiệp bia, rượu họ tài trợ sản phẩm, nếu không cho tài trợ, người ta phải mua bia, rượu để uống. Nên quy định sự kiện nào thì nên cấm chứ không thể không cho với tất cả các sự kiện, đại biểu Phương nêu quan điếm.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói: "Nếu chúng ta thông qua dự luật này thì chúng ta thôi xem bóng đá đi, vì Heineken là nhà tài trợ cho bóng đá Ngoại hạng Anh.

Người dân có cần sức khỏe không, rất cần, nhưng vẫn thức đến 3 giờ sáng để xem đá bóng và mong muốn xem đá bóng. Vì vậy, mong chúng ta nhìn nhận hết sức khách quan, đừng cực đoan, cục bộ".

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tranh-luan-gay-gat-ve-luat-phong-chong-tac-hai-ruou-bia-3380606/