Tranh luận có nên học thứ 7, chủ nhật: Cuối tuần nên trả về gia đình

Vấn đề có nên bố trí học sinh học thêm cả 2 ngày cuối tuần, các chuyên gia giáo dục vẫn đang có nhiều ý kiến tranh luận. Người cho rằng, nên để các trường tự chủ, cũng có ý kiến khẳng định: 'Nên nghỉ cuối tuần để học sinh có thời gian trải nghiệm và gia đình giáo dục'. Ngoài ra, vấn đề miễn học phí THCS, lương giáo viên cũng được góp ý.

Học cuối tuần hay không vẫn đang có nhiều ý kiến,

Cuối tuần nên “trả” về gia đình

Tại hội thảo góp ý kiến về Dự thảo Luật giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức ngày 24/8 các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc có nên cho học sinh học 2 ngày cuối tuần.

TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng, nên quy định số tiết học của học sinh phổ thông trong một ngày chính xác hơn số buổi. Bà Tâm Đan đề nghị cân nhắc kỹ về việc học 2 buổi/ ngày đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu là có điều kiện về trường lớp hay không. “Chất lượng giáo dục phụ thuộc khá nhiều vào / lớp. Vì thế, hết sức tránh tình trạng vì học 2 buổi mà sĩ số học sinh tăng lên đến 60-70 em”, bà Tâm Đan nói.

GS Trần Ngọc Giao cho rằng, giáo dục học sinh vai trò của gia đình rất quan trọng, lâu nay phụ huynh hay phó mặc cho nhà trường. Vì vậy, hai ngày cuối tuần, cần “trả” học sinh về cho gia đình để các em được trải nghiệm, giáo dục trong môi trường đó.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, có nên cho học sinh nghỉ thứ 7, chủ nhật hay không không nên đưa vào Luật mà nên để các trường tự chủ. Chuẩn yêu cầu đạt đến mức này nhưng có trường họ làm tốt hơn thì sao? “Có nhiều người cho rằng, chương trình học sinh Việt Nam nặng nhưng nhìn ra thế giới, học sinh cũng phải học rất nhiều. Để có kiến thức và rèn được phẩm chất phải mất rất nhiều thời gian”, ông Khanh nói.

Miễn học phí THCS

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, so với dự thảo đã trình Quốc hội trước đó, dự thảo lần này bổ sung chính sách đối với nhà giáo và miễn học phí THCS.

Vấn đề, không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, đã tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội là đã phổ cập thì không thu học phí và đảm bảo bình đẳng đối với giáo dục công lập, ngoài công lập.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cũng cho rằng, nếu phổ cập bắt buộc đến cấp THCS thì phải miễn tiền học đối với học sinh ở cấp này. Khi chưa phổ cập bắt buộc đến cấp THCS cũng nên miễn tiền học cho học sinh ở cấp này vì hiện nay học phí các trường THCS công lập không lớn lắm, nhà nước có thể cân đối ngân sách.

Theo ông Khang, nên cắt chính sách miễn học phí cho học sinh sư phạm cũng như không thực hiện hỗ trợ tín dụng cho sinh viên sư phạm vì như vậy cũng không thu hút được người giỏi vào ngành này. Vấn đề nằm ở chỗ, chế độ tiền lương và việc làm sau khi ra trường hiện nay chưa được giải quyết. Ông Khang cũng đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với nhà giáo cũng như cán bộ quản lý ngành này. Chỉ nên để chế độ hợp đồng để người lao động không còn ỉ lại, ăn bám vào nhà nước.

Nguyễn Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tranh-luan-co-nen-hoc-thu-7-chu-nhat-cuoi-tuan-nen-tra-ve-gia-dinh-1316662.tpo