Tránh 'lợi ích nhóm' trong việc lựa chọn sách giáo khoa

Theo Luật Giáo dục 2019 thì việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quyết định thay vì các cơ sở giáo dục phổ thông như quy định trước đó. Vậy làm thế nào để việc lựa chọn SGK đảm bảo khách quan, công bằng, hạn chế được thấp nhất tình trạng tiêu cực, 'lợi ích nhóm' đã và đang tiếp tục là vấn đề được dư luận xã hội đặt ra.

Khác với một chương trình, một bộ sách như hiện nay, việc thực hiện một chương trình nhiều SGK được đánh giá là sẽ phát huy được sức mạnh trí tuệ của xã hội, của các nhà khoa học, các nhà giáo tâm huyết đầu tư cho SGK. Tuy nhiên, xung quanh việc chọn bộ SGK nào để dạy trong nhà trường, hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều.

UBND các tỉnh sẽ được giao chủ trì lựa chọn SGK cho chương trình mới.

UBND các tỉnh sẽ được giao chủ trì lựa chọn SGK cho chương trình mới.

Có ý kiến lo ngại tiêu cực, “lợi ích nhóm” có thể xảy ra trong việc chọn sách cũng như việc áp từ cấp Sở xuống trường sẽ làm mất quyền của giáo viên bởi chỉ giáo viên mới biết loại SGK nào là phù hợp nhất. Nguyên lãnh đạo một trường Đại học Sư phạm bày tỏ lo ngại rằng, nếu thẩm quyền chọn sách được giao cho UBND lựa chọn cho toàn tỉnh rất có thể sẽ nảy sinh tình trạng chọn sách do quan hệ, do lợi ích cá nhân, không phù hợp với yêu cầu giáo dục.

“Về nguyên tắc, những cuốn sách đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều đạt yêu cầu và đều có thể sử dụng trong nhà trường phố thông. Khi thực hiện một chương trình, một bộ sách thì không có cạnh tranh nhưng khi thực hiện nhiều SGK thì sẽ có cạnh tranh mà đã cạnh tranh thì cũng dễ phát sinh tiêu cực.

Chẳng hạn, các NXB có tiềm lực về tài chính, quan hệ sẽ thuận lợi, chiếm ưu thế hơn trong chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Thậm chí, cũng có thể chiết khấu mạnh tay hơn để thu hút các đối tác…

Trong cuộc cạnh tranh này, nếu bộ SGK nào ít được sử dụng hơn thì nhóm tác giả, NXB đó cũng sẽ dễ thua lỗ và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Câu chuyện độc quyền SGK lại tiếp tục tái diễn trong một hình thức mới” - vị này nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận định, lựa chọn bộ SGK nào là việc rất quan trọng, không phải nhà trường nào cũng đủ khả năng thẩm định. Vì thế, giao UBND các tỉnh, thành phố lựa chọn là phương án phù hợp, đảm bảo an toàn trong bối cảnh hiện nay.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nêu quan điểm: “Nếu để mỗi trường tự lựa chọn bộ SGK cho mình dựa trên ý kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh, thoạt nhìn thì có vẻ sẽ rất dân chủ nhưng đặt tình huống SGK được chọn học một thời gian, phụ huynh học sinh kêu không phù hợp, yêu cầu nhà trường chọn lại sẽ thế nào? Đó là chưa kể, mỗi giáo viên sẽ có một ý kiến khác nhau, rất khó để thống nhất. Điều này sẽ rất dễ xảy ra tình trạng loạn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Vì thế, chủ trương để mỗi địa phương chọn sách phù hợp với mình sẽ hợp lý và an toàn hơn trong dạy học, chỉ đạo cũng như kiểm tra, đánh giá”. Tuy vậy, GS Phạm Tất Dong cho rằng, để hạn chế tiêu cực và khả năng cạnh tranh không lành mạnh giữa các NXB, Bộ GD&ĐT phải đưa ra được các tiêu chí cụ thể, rõ ràng quy định việc chọn SGK.

Đặc biệt, trước khi đưa về tỉnh và các địa phương, các nhóm tác giả, NXB phải công khai toàn bộ sách để các Hội đồng chuyên môn do các địa phương thành lập và đông đảo giáo viên, học sinh có điều kiện tham khảo, tìm hiểu kỹ. Việc công khai các SGK đã được phê duyệt cũng là một cách để thể hiện sự minh bạch, tạo sự yên tâm hơn cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, trong Hội đồng chuyên môn do UBND các tỉnh thành lập để chọn sách phải quy đủ thành phần là các chuyên gia đầu ngành, các nhà sư phạm và thầy cô giáo có kinh nghiệm. Đơn cử như đối với SGK môn Toán hoặc Tiếng Việt, phải có ít nhất 2 người là các chuyên gia, GS đầu ngành trong lĩnh vực này; có các nhà sư phạm và các thầy cô giáo giỏi có kinh nghiệm… để việc lựa chọn đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng và kín kẽ.

“Dù tất cả SGK đã được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và bám sát vào khung chương trình. Song trên thực tế, chất lượng giữa các cuốn SGK này chắc chắn sẽ không đồng đều, mỗi bộ sách sẽ có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Do đó, mỗi địa phương lựa chọn bộ SGK nào cũng phải có sự cân nhắc các yếu tố phù hợp văn hóa, địa lý, lịch sử vùng miền” - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc giao UBND các tỉnh lựa chọn SGK trong bối cảnh hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, ông Khuyến cũng cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu để tiến tới có thể giao việc lựa chọn SGK cho Hội đồng chuyên môn của các nhà trường thực hiện khi thấy đủ điều kiện.

Dưới góc độ khác, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện đúng Thông tư hướng dẫn chọn SGK và cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức chọn sách, tập huấn sử dụng sách. Những vấn đề tiêu cực, nếu có bằng chứng rõ ràng sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.

“Khi suy nghĩ SGK được xem như "pháp lệnh" chưa thay đổi thì việc chọn SGK trong bối cảnh "nhiều SGK" sẽ vẫn chịu những áp lực. Do đó, việc cần quan tâm làm trong lúc này là tuyên truyền về việc thay đổi bản chất trong sử dụng SGK. Khi việc này được hiểu đúng thì việc chọn SGK sẽ giảm bớt căng thẳng” - TS Phạm Tất Thắng nêu ý kiến.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/tranh-loi-ich-nhom-trong-viec-lua-chon-sach-giao-khoa-571560/