Tránh lãng phí

Đào tạo theo địa chỉ là hình thức đào tạo theo hợp đồng giữa địa phương, doanh nghiệp và nhà trường, có sự chấp thuận từ bộ, ngành liên quan.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hình thức đào tạo này có ý nghĩa kinh tế - xã hội, nhân văn sâu sắc, nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ tại chỗ của địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Là chủ trương đúng và nhân văn nhưng thực tế áp dụng trong thời gian qua cho thấy, mô hình đào tạo này không hiệu quả ở một vài địa phương, đặc biệt với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong bối cảnh số đông thí sinh phải nỗ lực học, ôn luyện để có một suất vào ngành y thì người học theo mô hình đào tạo theo địa chỉ ngành lại được lợi nhiều thứ: Không chỉ có điểm đầu vào thấp hơn, người học còn được miễn, giảm học phí, hỗ trợ ăn ở, học xong được bố trí việc làm ngay…

Theo quy định người học theo mô hình đào tạo theo địa chỉ phải có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết ban đầu là làm việc đúng địa chỉ. Thế nhưng, có khá nhiều người sau khi được hưởng những ưu tiên trong quá trình tuyển sinh và học tập, ra trường là… xa rời địa chỉ.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau, trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều bác sĩ thuộc diện đào tạo theo địa chỉ làm việc tại các bệnh viện công xin nghỉ việc. Những trường hợp này sẵn sàng bồi thường chi phí đào tạo để được tự chọn chỗ làm mới. Tại Đồng Nai, giai đoạn 2014 - 2020 tỉnh đã bố trí 353 người đi đào tạo ngành y, có 181 tốt nghiệp được phân công về những đơn vị, địa phương còn thiếu hụt. Thế nhưng trong số này có 56 trường hợp vi phạm cam kết (chiếm tỷ lệ 31%), không chấp hành phân công công tác, sẵn sàng đền bù kinh phí để nghỉ việc, thậm chí có trường hợp không đền bù. Đào tạo theo địa chỉ ngành y không hiệu quả, năm 2019, HĐND Đồng Nai đã thông qua nghị quyết bãi bỏ chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ. Tình hình cũng tương tự ở Long An.

Vì sao một chủ trương đúng và mang tính nhân văn, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cho các địa phương còn khó khăn lại không hiệu quả ở một số nơi? Tìm hiểu kỹ cho thấy có khá nhiều nguyên nhân. Về phía người học, một số sinh viên có điểm đầu vào thấp nên khó có thể theo nổi chương trình, nguy cơ bỏ cuộc giữa chừng.

Một số trường ĐH không mặn mà với đối tượng này, còn thiếu kết hợp chặt chẽ với địa phương để thông báo về tình trạng người học. Có trường hợp người học nghỉ rồi địa phương không biết vẫn chuyển tiền. Ở địa phương, một số nơi chọn không đúng đối tượng, quy trình tuyển chọn thiếu minh bạch, điều kiện ràng buộc và chế tài vi phạm không rõ ràng… Đặc biệt, môi trường làm việc, điều kiện thu nhập của người lao động ở các địa chỉ sử dụng vẫn còn nhiều hạn chế, nhân sự không có điều kiện phát triển.

Để đào tạo theo địa chỉ phát huy hiệu quả, tránh việc lãng phí, rất cần sự phối hợp tổng thể từ người học, trường đại học và địa phương cũng như các bộ, ngành. Ý thức và trách nhiệm người học cần phải được nhấn mạnh trong giao kết hợp đồng, với những ràng buộc pháp lý cụ thể. Quá trình tuyển chọn người học nên có sự tham gia của nhà trường để bảo đảm tính khách quan trong tuyển sinh, thắt chặt hơn quan hệ giữa đại học và địa phương.

Đặc biệt, các địa phương cần xác định và tính toán, dự báo nguồn nhân lực đủ dài để cử người đi học cho hợp lý, tránh tình trạng thừa/thiếu cục bộ. Quan trọng nhất là khâu sử dụng tại địa chỉ phải được coi trọng. Khi cơ chế sử dụng nhân sự tại địa phương chưa phát huy hiệu quả, chuyện người lao động sẵn sàng chấp nhận bồi thường kinh phí đào tạo để ra đi vẫn còn tiếp diễn...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/tranh-lang-phi-eLlZSouGg.html