Tránh lãng phí nguồn lực

Theo thông tin tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học công lập tự chủ và trường ngoài công lập dự kiến sẽ mở thêm ngành đào tạo mới. Thậm chí, nhiều trường tuyển thêm cả chục chuyên ngành đào tạo mới. Việc nở rộ các ngành học mới là tất yếu khi các trường được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo lý giải các trường đại học, việc mở thêm ngành mới với mong muốn nghề nghiệp cụ thể hơn, hấp dẫn hơn, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ, kinh tế số, đặc biệt là các lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật và thương mại điện tử, đồng thời giúp nhà trường dễ thu hút học sinh để tuyển sinh tốt hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, thêm nhiều ngành học giúp đa dạng hóa dịch vụ đào tạo, người học có thêm nhiều lựa chọn học tập nhưng quan trọng là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, nhất là việc đảm bảo được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường sẽ thế nào.

Mặc dù, 3 năm trở lại đây, chất lượng đào tạo, công tác đào tạo theo địa chỉ, gắn với nhu cầu của thị trường lao động tốt hơn rất nhiều. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của 221 cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học lên tới 90 - 95% trong giai đoạn 2019 - 2020.

Nhưng các chuyên gia lo ngại tính xác thực của con số công bố trên, vì số lượng sinh viên làm việc đúng chuyên môn, ngành nghề đào tạo theo khảo sát chỉ đạt khoảng 58 - 60%. Thực tế, hàng năm, hơn 100.000 người có trình độ đại học không kiếm được việc làm. Những cử nhân, kỹ sư mất 4 năm trời học tập, nghiên cứu, đầu tư số lượng lớn tiền bạc nhưng không thể áp dụng kiến thức học được vào thực tế, thực sự lãng phí to lớn về thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ.

Thế nhưng, trước xu hướng hàng trăm nghìn học sinh vẫn muốn vào đại học, một số trường vì muốn thu hút nhiều sinh viên đã mở thêm nhiều ngành mới, trong khi chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất, dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Việc mở ra quá nhiều ngành mới dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ học sinh để tổ chức lớp học, nên nhiều trường sẵn sàng hạ điểm chuẩn để vớt đủ người học. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa quá nhiều ngành học mới có thể gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh. Nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Nhiều nhà quản lý giáo dục lo ngại, nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch ngành nghề cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn nhưng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo những ngành mới, đảm bảo quyền lợi cho người học, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế để có định hướng đào tạo, hướng nghiệp những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế, để sinh viên ra trường có công việc ổn định, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tranh-lang-phi-nguon-luc-post437511.html