Tranh lá thốt nốt Võ Văn Tạng

Trong khi đa phần người trồng cây thốt nốt chú trọng khai thác nước (lấy từ nhụy hoa) và trái thốt nốt thì nghệ nhân Võ Văn Tạng (Thoại Sơn) lại quan tâm đến lá thốt nốt. Qua góc nhìn thẩm mỹ và đôi tay khéo léo của nghệ nhân, từng tấm lá thốt nốt biến thành những bức tranh sống động, độc đáo. Đây là lý do giúp tranh lá thốt nốt Võ Văn Tạng được phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang).

Nghệ nhân Võ Văn Tạng giới thiệu sản phẩm tranh lá thốt nốt

Loại lá kỳ diệu

Từ lâu, cây thốt nốt được xem là một trong những biểu tượng đặc trưng của vùng Bảy Núi - An Giang. Để có thể trụ vững trên vùng đất núi thường xuyên thiếu nước, cây thốt nốt phải mất 20 năm để sinh trưởng trước khi cho trái và nước. Đặc thù của loài cây này là lá cứ khô và rụng dần theo chiều cao của cây. Do chủ yếu khai thác nước và trái nên đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chưa quan tâm đến công dụng của lá thốt nốt. Tuy nhiên, với đôi mắt của nghệ nhân Võ Văn Tạng (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn), lá thốt nốt là chất liệu tuyệt vời để tạo ra những tác phẩm tranh độc đáo.

“Lá thốt nốt muốn vẽ tranh được bằng bút lửa phải là loại lá non đủ tuổi. Lá mang về để cả chục năm vẫn không hư hỏng. Điều kỳ diệu của loại lá này là không bao giờ bị mối mọt. Trong kho chứa lá thốt nốt không hề có chuột vào gặm nhấm, cắn phá”- ông Tạng chia sẻ.

Vùng đất Thoại Sơn không phải là xứ sở của cây thốt nốt nên để có nguồn chất liệu sáng tác tranh, nghệ nhân Võ Văn Tạng phải đặt mua lá thốt nốt ở Tri Tôn, Tịnh Biên. “Ở vùng Bảy Núi, tôi có bộ phận chuyên chặt lá thốt nốt non đủ tuổi. Bình quân mỗi năm, tôi mua khoảng 5 đợt lá thốt nốt, mỗi đợt khoảng 1.000 tàu lá. Việc chặt lá không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây thốt nốt cũng như sản lượng khai thác trái và nước thốt nốt”- ông Tạng nhấn mạnh.

Từ chất liệu lá thốt nốt đặc trưng vùng Bảy Núi, với góc nhìn thẩm mỹ và đôi tay khéo léo của nghệ nhân, chân dung của Bác Hồ, Bác Tôn, những cảnh đẹp của An Giang, những điểm du lịch nổi tiếng như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, núi Cấm, đồi Tức Dụp, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, di tích Óc Eo, rừng tràm Trà Sư… lần lượt được đưa lên tranh lá thốt nốt. Từ cơ sở ở thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), những bức tranh lá thốt nốt mang cảnh đẹp An Giang theo chân du khách lan tỏa khắp cả nước; theo chân những chính khách, những đoàn công tác quốc tế, những người con đất Việt đi nhiều nước trên thế giới…

Quà tặng được ưa thích

Do tính độc đáo, đặc thù của tranh lá thốt nốt nên đây là những sản phẩm thường được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương lựa chọn làm quà tặng cho những đoàn khách đến An Giang. Những đoàn công tác của tỉnh khi đi làm việc, gặp gỡ, giao lưu trong và ngoài nước thường mang theo tranh lá thốt nốt để giới thiệu, quảng bá những cảnh đẹp, tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của vùng đất An Giang.

Những du khách đến An Giang khi có dịp cũng tranh thủ ghé qua Cơ sở sản xuất-kinh doanh Võ Văn Tạng để tận mắt chứng kiến quy trình làm tranh lá thốt nốt cũng như mua tranh về treo trang trí, tặng bạn bè, người thân như món quà lưu niệm. Có những người nhẫn nại ngồi chờ để được bức tranh vẽ chân dung, vẽ gia đình bằng lá thốt nốt. Do nhu cầu cao nên hầu hết tranh lá thốt nốt do cơ sở làm ra đều được tiêu thụ tốt, không tồn kho.

Ông Tạng cho biết, hiện nay cơ sở sử dụng 15 lao động tham gia quy trình làm tranh. Trong đó có khoảng 3 lao động vẽ được chân dung trên lá thốt nốt. Đây sẽ là đội ngũ kế thừa quan trọng để kỹ thuật vẽ tranh trên chất liệu lá thốt nốt không bị thất truyền. “Khi du lịch Thoại Sơn phát triển, tôi sẽ đào tạo thêm lao động để phục vụ nhu cầu du khách. Mong muốn của tôi là xây dựng cơ sở sản xuất tranh lá thốt nốt như một điểm dừng chân tham quan và thu hút du khách đến An Giang”- ông Tạng kỳ vọng.

Với tính độc đáo “không đụng hàng”, mang những nét đặc trưng An Giang từ chất liệu làm tranh cho đến nội dung trong tranh, sản phẩm tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng đã thuyết phục được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang ngay trong đợt đánh giá đầu tiên của năm 2020. Sản phẩm tranh lá thốt nốt và sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania là 2 sản phẩm đầu tiên được phân hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đây sẽ là động lực và điều kiện để nghệ nhân Võ Văn Tạng cùng đội ngũ lao động của mình sáng tạo thêm nhiều bức tranh lá thốt nốt, góp phần quảng bá hình ảnh, điếm nhấn An Giang đến bạn bè khắp nơi…

NGÔ CHUẨN

Cùng với danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, nghệ nhân Võ Văn Tạng còn đạt 2 kỷ lục Việt Nam là: nghệ nhân làm tranh lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam và tác phẩm Di chúc Bác Hồ làm bằng tranh lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam.

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tranh-la-thot-not-vo-van-tang-a289445.html