Tranh khắc gỗ, tưởng không còn chỗ đứng...

Trong di sản của người xưa để lại về hội họa, tranh khắc gỗ dân gian là một vốn rất quý cho những thế hệ sau kế thừa và phát triển. Ngày nay, tranh khắc gỗ vẫn là một trong những nghệ thuật hội họa đặc sắc trên thế giới.

Dòng tranh đặc biệt

Tranh khắc gỗ là một loại tranh cho phép in ấn văn bản, hình ảnh hoặc những mẫu có sẵn, được sử dụng rộng rãi trên toàn khu vực Đông Á. Loại tranh này có nguồn gốc ở Trung Quốc thời cổ đại. Những loại gỗ phổ biến đều có thể chế tạo thành tác phẩm nghệ thuật (trừ gỗ thông), trong đó phổ biến nhất là ván ép gỗ công nghiệp. Bề mặt gỗ phải được mài phẳng và làm nhẵn hoàn toàn. Để loại bỏ gỗ ở những phần không in, người ta dùng dao khắc gỗ.

Ở Việt Nam, giấy để in tranh phổ biến nhất là giấy dó, giấy bản do các làng nghề truyền thống như Bưởi, Đống Cao... sản xuất. Giấy dó làm từ vỏ cây dó nên dai mà dịu. Đầu thế kỷ XXI, nguồn cây dó sa sút và hiếm dần nên người làm nghề có xu hướng thay bằng bột vỏ cây dướng hoặc cây tre (trúc chỉ). Với tranh khắc gỗ dân gian, nghệ nhân chỉ đục để lấy nét hoặc mảng sạch, sâu đến 1cm, không tả chất hay tả cảm xúc qua nét khắc.

Hòa vào dòng chảy hiện đại

Tranh khắc gỗ chính là loại hình nghệ thuật và cũng là phương tiện có đầy đủ khả năng thể hiện cảm thức và mỹ cảm đương đại. Ngày nay, tranh khắc gỗ được thực hiện trên khuôn khổ lớn, phong phú về mặt biểu hiện hiệu quả thị giác. Nó không còn nằm trong khung kính hay bộ sưu tập mà chiếm không gian rất rộng, có thể tham gia vào tác phẩm sắp đặt trong nhà hay ngoài trời. Tác phẩm khắc gỗ đương đại có thể chuyển tải không gian sâu hơn, tinh tế hơn, chuyển tải ý tưởng mạnh mẽ hơn thông qua các hình thức đó.

Tuy nhiên, nếu như trước đây, chúng ta có những phường thợ chuyên khắc tranh và những làng khắc tranh mang tính chuyên môn hóa cao thì ngày nay, những phường khắc tranh đó vẫn còn nhưng chỉ là khắc dấu, con giống hoặc những khuôn hình do khách hàng đặt.

Có giai đoạn tưởng như dòng tranh khắc gỗ không còn chỗ đứng, nhưng vẫn có những người theo đuổi bộ môn này.

Có giai đoạn tưởng như dòng tranh khắc gỗ không còn chỗ đứng, nhưng vẫn có những người theo đuổi bộ môn này.

Ngay cả các làng làm tranh truyền thống cũng thu hẹp quy mô và chuyển sang làm nghề mã nhiều hơn. Chính vì vậy mà số người làm tranh khắc gỗ ngày càng ít đi. Đối với các họa sĩ hiện đại, lựa chọn chất liệu khắc gỗ để sáng tác không phải đơn giản. Tranh khắc gỗ trở thành một chất liệu xa xỉ, vì gỗ để làm tranh bây giờ không dễ kiếm, các họa sĩ chuyển sang dùng ván ép để khắc nhiều hơn, thời gian để làm ra một tác phẩm lại lâu vì phải qua một công đoạn khắc mất nhiều thời gian và khoảng thời gian cảm xúc có thể làm mất dần đi do phải chuyển tải qua nhiều công đoạn từ việc làm phác thảo, đến việc chuyển phác thảo sang gỗ, rồi khắc, in. Điều này cũng khiến cho việc sáng tác trên chất liệu này đã kén người lại càng hiếm hơn.

Có giai đoạn tưởng như dòng tranh khắc gỗ không còn chỗ đứng, nhưng vẫn có những người theo đuổi bộ môn này. Điển hình phải kể đến quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật tranh khắc gỗ TP.HCM với những chuyển biến rất rõ về đề tài cũng như hình thức thể hiện tác phẩm của từng tác giả.

Đội ngũ họa sĩ làm tranh khắc gỗ ngày càng hùng hậu và đặc biệt trong các triển lãm khu vực thời gian gần đây, số lượng tác phẩm, tác giả tăng lên, có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao. Đặc biệt, tranh khắc gỗ hiện đại tại TP.HCM rất đa daạng và phong phú về kỹ thuật chất liệu. Ngoài kỹ thuật khắc gỗ truyền thống, các họa sĩ đã nghiên cứu về sự thay đổi trong kỹ thuật chất liệu như in gỗ trên lụa, kỹ thuật khắc phá bản gỗ. Kỹ thuật này đưa vào giảng dạy từ năm 2006 tại Khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Số lượng các họa sĩ làm tranh khắc gỗ tại TP.HCM ngày càng nhiều và sáng tác được những tác phẩm chất lượng, có giá trị thẩm mỹ cao. Có thể kể đến họa sĩ Đoàn Minh Ngọc, Đặng Minh Thành, Lê Phi Hùng, Nguyễn Đại Phú Cường, Lê Thanh Trừ, Trần Văn Quân, Nguyễn Mạnh Hùng, Tố Uyên, Nguyễn Thành Công,...

Có thể nói, nghệ thuật tranh khắc gỗ hiện đại TP.HCM luôn đóng vai trò quan trọng đối với mỹ thuật khu vực Nam Bộ cũng như nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Vũ Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tranh-khac-go-tuong-khong-con-cho-dung-n185956.html