Tránh hoang mang không cần thiết từ các thông tin thất thiệt

Từ khi xuất hiện thông tin về bệnh viêm phổi cấp, đã có một số trang mạng xã hội tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. Thậm chí, một số tài khoản mạng xã hội còn hướng dẫn cộng đồng phòng bệnh bằng cách… uống nước tiểu vào buổi sáng ngay sau khi vừa tiểu ra.

Tài khoản Nguyen Binh khuyên mọi người không nên “đừng lo” như lời khuyên của một bác sỹ, mà nên nghe theo một “bác sỹ” khác, phòng bệnh bằng cách: Khi bị cúm, hắt hơi, nhức đầu thì buổi sáng uống nước tiểu ngay sau khi tiểu ra. Nước tiểu ngay sau khi tiểu ra không có mùi khai thối, chỉ khi ra ngoài gặp không khí, vi khuẩn, vi-rút thì mới kết hợp các dưỡng chất sinh ra mùi khai nồng. “Nước tiểu của bệnh nhân trong trường hợp này chính ra thần dược tăng cường sức đề kháng cho người bệnh”.

Sau đó uống 1 muỗng cà phê dầu gấc + 3 giọt dầu mè đặc biệt, kèm theo ăn trà, không cần ăn cơm, cháo. Tài khoản này còn nhấn mạnh: Việc cung cấp thông tin về phương pháp phòng bệnh này là theo bác sỹ Nhàn Lê để mọi người biết thêm thông tin chứ không cần lợi dụng tên tuổi của chị ấy để bán hàng thực dưỡng.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo chính thức của Bộ Y tế thì những biện pháp phòng bệnh bao gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.

Đeo khẩu trang y tế cũng có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn, vi-rút xâm nhập và phát tán.

Đeo khẩu trang y tế cũng có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn, vi-rút xâm nhập và phát tán.

Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; đảm bảo ATTP, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà phòng…

Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã; giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao; tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác…

Bên cạnh việc tư vấn cách phòng bệnh không đúng, nhiều người cũng nhanh tay quảng cáo bán các loại dung dịch rửa tay diệt vi-rút, vi khuẩn; các loại viên sủi tăng sức đề kháng; khẩu trang phòng dịch với giá cao.

Thực tế, không cứ gì những loại khẩu trang đắt tiền mà theo Bộ Y tế, khẩu trang Y tế thông thường với 3 lớp vải không dệt thông thường cũng có thể giúp phòng bệnh hiệu quả, quan trọng nhất là phải đeo đúng cách sẽ ngăn chặn các giọt nước bọt lớn có chứa vi-rút văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho. Mọi người sử dụng khẩu trang cần lưu ý: Chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Không tái sử dụng khẩu trang dùng một lần; Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng; khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi-rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.

Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm vi-rút và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay; rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tranh-hoang-mang-khong-can-thiet-tu-cac-thong-tin-that-thiet-178054.html