Tranh hoa sống động làm từ đất sét của người phụ nữ giàu nghị lực

Chỉ khi đến với những bông hoa từ nguyên liệu đất sét 'cắm' nên nền tranh sơn dầu, chị Sinh mới tìm được đam mê đích thực và ý nghĩa đời mình.

Từ chuyên môn ban đầu là nhân viên công nghệ thông tin, chị Phạm Thị Giáng Sinh (39 tuổi, ngụ phường Phước Long B, TP Thủ Đức) bất ngờ rẽ hướng với nghề cắm hoa tươi, rồi học làm hoa giấy và sau đó đào tạo nghề cho cả ngàn học viên.

Hoa tươi, hoa giấy đến… hoa đất sét

Chị Sinh tiếp chuyện tôi trong căn hộ của gia đình nằm ở tầng 5 khu chung cư, nơi có một góc nhỏ bên khung cửa sổ cả ngày tràn ngập ánh sáng mà chị vừa dùng làm “xưởng” làm tranh, vừa trưng bày, vừa là một “studio” để chụp, quay video những tác phẩm giới thiệu đến mọi người. Chị bảo, chỉ khi trực tiếp quan sát chị “vẽ tranh” thì mới hiểu hết được quá trình cho ra đời một tác phẩm.

Chị Sinh tâm sự, nếu nói về hoa thì đến bây giờ, chị đã có cả chục năm gắn bó, còn lý do đến với lĩnh vực này thì với chị hết sức ngẫu hứng. Năm 2006, chị Sinh bắt đầu với công việc chuyên môn mà mình được đào tạo bài bản là một kỹ thuật viên tin học. Khi đó, cả hai vợ chồng chị đều theo ngành này. Vậy mà bất ngờ chị đến với công việc chẳng chút liên quan, nghề cắm hoa tươi, chỉ đơn giản vì thấy thích.

Đó là năm 2011, chị đi học một khóa học cắm hoa tươi, may mắn là được học tại một cơ sở cắm hoa khá đẹp. Ban đầu chị Sinh mở shop kinh doanh hoa tươi, đối mặt với không ít khó khăn với loại hình dịch vụ khá đặc thù. Ngoài yếu tố tay nghề của người thợ, để có những bình hoa, đóa hoa đẹp, hoa nhập về để đa dạng mẫu mã thì cần số lượng lớn, yêu cầu số số tiền vốn bỏ ra nhiều, tuy nhiên nếu bán chậm thì hoa héo, hư hại, chỉ còn cách vứt bỏ.

Kinh doanh hoa tươi chừng 3 tháng, chị Sinh chuyển sang học làm hoa giấy, loại hình có thể khắc phục được những nhược điểm của hoa tươi. Năm 2017, sau 3 năm kinh nghiệm làm hoa giấy, chị Sinh chuyển sang đào tạo học viên, vừa sáng tạo ra các sản phẩm hoa giấy, vừa đem những kiến thức, kỹ năng mình rèn được truyền thụ cho các chị em có cùng đam mê. Chính công việc này giúp cho chị có thu nhập ổn định và có thể duy trì công việc theo sở thích.

Ban đầu chị Sinh truyền nghề làm hoa giấy qua những buổi học dạy trực tiếp, đó là vừa làm mẫu vừa cầm tay chỉ việc. Cuối năm 2019, chị Sinh gặp biến cố lớn trong đời, chị phát hiện mình bị ung thư vú, buộc phải nhập viện điều trị. Để đẩy lùi căn bệnh, chị phải thực hiện các bước hóa trị, phẫu thuật rồi xạ trị. “Thuốc vào người đau đớn, tiều tụy, tóc tai rụng hết, bộ dạng khó coi, tôi đành phải dừng các khóa dạy”, chị Sinh tâm sự.

Cũng chính trong hoàn cảnh ấy, năm 2020 chị nảy ý tưởng dạy nghề qua video. Một mình chị vừa tự đặt máy quay, rồi trước ống kính giảng lý thuyết, giải đáp các thắc mắc rồi làm thực hành để hướng dẫn các thao tác, biên tập video cho gọn gãy rồi gửi đến các học trò. Tính đến nay, chị Sinh đã đào tạo cho cả ngàn học viên. Cũng từ việc dạy học online, chị nghĩ đến việc giới thiệu các sản phẩm về hoa qua kênh youtube, đưa những “đứa con” của mình đến với mọi người.

Chị Sinh tìm thấy ý nghĩa đời mình với những bức tranh hoa xinh tươi.

Chị Sinh tìm thấy ý nghĩa đời mình với những bức tranh hoa xinh tươi.

Thời gian dài miệt mài sáng tạo trên vật liệu giấy, chị Sinh có trải nghiệm với không biết bao nhiêu sản phẩm đẹp mình tạo ra. Rồi chị nhận ra một số vấn đề mà nếu so với hoa làm từ đất sét, sẽ thấy hoa giấy có những hạn chế nhất định. Như trên những tờ giấy màu nhập khẩu từ nước ngoài với những màu sắc cố định của nhà sản xuất, những đóa hoa thành phẩm phần nào đơn điệu về gam màu, tạo nên rào cản với những tâm hồn muốn tìm kiếm sáng tạo, khác lạ.

Vấn đề nữa, những bình hoa, đóa hoa làm từ giấy trong suy nghĩ của nhiều người là bất tử theo thời gian, tuy nhiên chị Sinh nhận ra rằng, thật ra chúng sẽ phai màu và bám bụi bẩn theo năm tháng, khó có thể giữ vẻ đẹp được lâu dài. Mà những vấn đề ấy, chị Sinh lại khắc phục được ở loại hình ít ai có thể ngờ tới, chính là sự kết hợp những đóa hoa đất sét muôn vàn sắc màu sinh động, uyển chuyển trên nền tranh sơn dầu.

Chị Sinh chia sẻ, thật ra từ năm 2016 chị đã học một lớp làm hoa bằng đất sét trong 1 tháng. Và loại hình làm hoa này đã xuất hiện một thời gian dài trước đây, tại Việt Nam cũng đã có nhiều người làm. Bẵng đi thời gian, đến năm ngoái chị Sinh mới nghĩ đến việc thử kết hợp hoa đất sét và tranh vẽ.

Sống với niềm đam mê

Sau khi được một người bạn đến nhà hướng dẫn lại cách làm hoa đất sét, chị thử gắn lên tranh mình vừa vẽ thì thấy đẹp quá nên quyết định nghỉ làm hoa giấy và chuyển hẳn sang làm tranh hoa đất sét. Vạn sự khởi đầu nan, để tạo ra một tác phẩm mình thấy đẹp và mọi người cũng thưởng thức là cả một quá trình. Đằng sau một bức tranh hoa đất sét gồm 3 công đoạn chính và không biết bao nhiêu khâu chi tiết yêu cầu sự khéo léo, tỉ mẩn, kiên trì.

Một bức tranh nền bằng sơn dầu sẽ cần có thời gian để khô, trong lúc ấy người phụ dùng đất sét để nặn những bông hoa. Đất sét là loại chuyên dùng được nhập từ nước ngoài, chỉ có một màu duy nhất là màu trắng. Để tạo ra những viên đất sét đủ các màu sắc khác nhau theo yêu cầu, chị phải trộn màu sơn dầu vào đất sét theo tỷ lệ phù hợp, nhồi cho đều màu.

Tất cả những loại hoa đều được chị Sinh nặn bằng tay, từ các chi tiết nhỏ nhất. Như hoa được chị nặn từng cánh rồi ghép lại với nhau, lá cũng được nặn tay, dùng kéo để tỉa lại hình dáng. “Những cánh hoa dùng khuôn làm sẽ đều nhau. Nhưng hoa tự nhiên thì có cánh lớn, cánh bé, dày mỏng khác nhau”, chị Sinh giải thích. Những bông hoa sau khi thành hình sẽ được sơn lại một lớp màu lên để hoa bền màu, tươi tắn và trông thật hơn.

Để biến những thỏi đất sét vô hồn thành bông hoa hồng xinh tươi, khi tay nghề đã thành thục, chị Sinh mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Đây là loại hoa khiến chị Sinh mất nhiều thời gian nhất nhưng chị lại thích nhất. Khi đã có đủ hoa, lá cành và tranh nền đã đủ khô, công đoạn cuối cùng là ghép hoa lên tranh. Chúng được sắp xếp cân đối, khéo léo bởi đôi tay người thợ giống như loại hình cắm hoa tươi, sau đó cố định bằng keo nến.

Những bông hoa hồng, hoa cúc bằng đất sét vô cùng tươi tắn, sống động.

Để hoàn thành một bức tranh nếu thực hiện lần lượt từng công đoạn như đã nêu mà không có sự chuẩn bị trước, chị Sinh có thể mất đến một tuần. Tuy nhiên, vì làm xen kẽ các công đoạn cho nhiều bức tranh cùng lúc, hiện tại mỗi tuần chị có thể cho “ra lò” 2 tác phẩm. Khi đã xong xuôi, tranh được cho vào khung kính, vừa có thể thưởng thức mà tránh bụi bặm, va quệt. Chị Sinh cho biết, tranh hoa đất sét trông mỏng manh nhưng chỉ cần để nơi tránh ánh nắng là có thể chơi được chục năm.

Gần nửa năm nay, chị Sinh miệt mài sáng tạo những bức tranh hoa. Dù chỉ mới gắn bó với loại hình này một thời gian ngắn nhưng điều bất ngờ là người phụ nữ này đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Các sản phẩm chị chia sẻ lên Facebook khiến nhiều người thích thú và ngỏ ý mua khiến người phụ nữ rất bất ngờ. Từ ban đầu là làm vì thích thú, đam mê, bây giờ chị Sinh đã kiếm được nguồn thu nhập từ nó, với khoảng 25 bức tranh đã bán được.

Ấn tượng đầu tiên của mọi người khi xem tranh chị, đó là nhìn giống hoa thật, sống động, màu sắc tươi tắn, uyển chuyển và có chiều sâu. Nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng những bức tranh được làm từ đất sét. Ngược lại, có người nhận xét tranh hoa của chị sặc sỡ đến rối màu. Tất cả các ý kiến chị đều lắng nghe nhưng theo chị, mỗi người có mỗi cách quan niệm khác nhau về cái đẹp, riêng chị mỗi nét vẽ, tông màu hình thành bởi một niềm thích thú.

Trải qua sóng gió cuộc đời, niềm hạnh phúc của chị Sinh bây giờ là hàng ngày được sống trong niềm đam mê bất tận với tranh, được thỏa sức sáng tạo, thể hiện cảm xúc với những tác phẩm mang dấu ấn riêng biệt. Thời gian còn lại chị dành cho gia đình, hàng ngày bên căn bếp nhỏ chăm sóc chồng và 2 cô con gái.

Đại Chơn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tranh-hoa-song-dong-lam-tu-dat-set-cua-nguoi-phu-nu-giau-nghi-luc-d151073.html