Tranh giành nhau vì vắc-xin COVID-19

Căng thẳng toàn cầu gia tăng trong cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin COVID-19 sau khi Mỹ và Trung Quốc kết tội nhau, còn Pháp chỉ trích hãng dược Sanofi khi hứa cung cấp những lô vắc-xin đầu tiên cho Mỹ.

Bên trong xưởng sản xuất vắc-xin vừa khánh thành ở Trung Quốc. Ảnh: The Paper

Bên trong xưởng sản xuất vắc-xin vừa khánh thành ở Trung Quốc. Ảnh: The Paper

Các nhà khoa học đang làm việc với tốc độ hết mức có thể để phát triển vắc-xin COVID-19, trong bối cảnh đại dịch đã giết chết hơn 300.000 người trên khắp thế giới và kéo tụt các nền kinh tế.

Từ Mỹ đến châu Âu rồi châu Á, các chính phủ quốc gia và địa phương đang nới lỏng hạn chế để người dân có thể quay lại công việc, trong khi vẫn lo về nguy cơ bùng lên làn sóng nhiễm bệnh lần nữa. Tự do di chuyển đi cùng với rủi ro dịch bệnh phát tán, nên các phòng thí nghiệm quốc gia và hãng dược tư nhân đang nỗ lực tìm ra công thức đúng cho vắc-xin. Cơ quan y tế của EU (EMA) mang lại hy vọng khi nói rằng trong 1 năm tới có thể có vắc-xin, dựa trên số liệu các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành. Nhưng ông Marco Cavaleri, người đứng đầu bộ phận chiến lược vắc-xin của EMA, thừa nhận rằng thời gian 1 năm là viễn cảnh tốt nhất, nếu không xảy ra trì hoãn nào.

Cuộc đua vắc-xin càng phơi bày sự thất vọng và giận dữ trong quan hệ Mỹ - Trung. Hai cơ quan của Mỹ hôm 13/5 cảnh báo các tin tặc Trung Quốc đang cố đánh cắp nghiên cứu về vắc-xin COVID-19. Còn Bắc Kinh bác bỏ, gọi đây là cách “bôi nhọ” họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/5 nói rằng ông không muốn liên quan đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nữa, thậm chí gợi ý có thể cắt đứt quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Trên Đồi Capitol, một quan chức mất ghế nói trước quốc hội rằng chính quyền của ông Trump không có chiến lược nào để tìm và phân phối vắc-xin cho hàng triệu người Mỹ, cảnh báo người Mỹ sẽ đối diện với “mùa đông đen tối nhất” phía trước. Mỹ đã có gần 86.000 người chết liên quan đến COVID-19, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Các lãnh đạo thế giới nằm trong số hơn 140 bên ký vào bức thư đăng sáng 14/5 kêu gọi không cấp bằng sáng chế cho bất kỳ vắc-xin nào và khoa học cần được chia sẻ giữa các nước. “Các chính phủ và đối tác quốc tế phải đoàn kết xung quanh một sự bảo đảm toàn cầu để khi tìm ra một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả, nó sẽ được sản xuất nhanh chóng ở quy mô rộng cho tất cả mọi người, tất cả các quốc gia mà không mất phí”, tuyên bố nói.

Nhưng tranh cãi vừa nổ ra ở Pháp sau khi hãng dược Sanofi nói sẽ dành những chuyến hàng đầu tiên cho Mỹ nếu họ sản xuất được bất kỳ loại vắc-xin nào.

Phát biểu này nhanh chóng vấp phải chỉ trích của chính phủ Pháp. Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng bất kỳ loại vắc-xin nào nên được coi là “hàng hóa công cộng toàn cầu chứ không chịu tác động của các yếu tố thị trường”. Còn Tổng giám đốc điều hành Sanofi Paul Hudson nói rằng Mỹ có một mô hình chia sẻ rủi ro, cho phép bắt đầu sản xuất vắc-xin từ trước khi được cấp phép, trong khi châu Âu không có. “Chính phủ Mỹ có quyền đặt hàng trước vì họ đã đầu tư và chấp nhận rủi ro”, ông Hudson nói với Bloomberg.

Các quan chức Pháp dự kiến sẽ gặp lãnh đạo của Sanofi vào tuần sau để nói về vấn đề này.

Học cách sống chung

Một công ty Trung Quốc vừa tuyên bố khánh thành dự án xưởng sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 lớn nhất thế giới, có thể cung cấp 10 triệu liều mỗi năm. Trung Quốc đang phát triển bốn loại vắc-xin ngừa COVID-19, trang The Paper đưa tin. Các nhà khoa học công tác tại ĐH Oxford, Anh, gần đây cho biết họ đã đưa vào sản xuất một loại vắc-xin, sẽ có trong tháng 9 năm nay dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Việc sản xuất hàng loạt vắc-xin trước khi kết thúc thử nghiệm và được cấp phép nghĩa là thuốc được làm ra với quy mô lớn nhưng có nguy cơ không dùng được nếu kết quả thử nghiệm trên người cho kết quả không tốt.

Cuộc tìm kiếm vắc-xin trở nên cấp bách hơn sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng COVID-19 có thể không bao giờ biến mất, nên thế giới cần học cách sống chung với nó.

Nguy cơ COVID-19 tồn tại dai dẳng khiến các chính phủ phải tính toán giữa sự cần thiết phải khống chế dịch bệnh trong khi tiếp tục giúp nền kinh tế hoạt động.

Tại Mỹ, thêm số liệu ảm đạm vừa được công bố hôm 14/5. Thêm gần 3 triệu người Mỹ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người cần trợ cấp lên 36,5 triệu, tương đương hơn 10% dân số Mỹ. Hãng bảo hiểm Lloyd’s of London dự báo đại dịch COVID-19 sẽ ngốn khoảng 203 tỷ USD của ngành bảo hiểm.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/tranh-gianh-nhau-vi-vacxin-covid19-1658498.tpo