Tránh dùng quá nhiều thuốc kích thích miễn dịch, nếu sai cách sẽ gây nguy hiểm

Trong tình hình nhiều dịch bệnh đe dọa cùng với thay đổi thời tiết gây ra nhiều bệnh cúm theo mùa, các chuyên gia y tế vẫn khuyên người dân nên nâng cao sức đề kháng miễn dịch. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ các thuốc kích thích miễn dịch là gì, dùng khi nào và như thế nào cho đúng?

Thuốc kích thích miễn dịch là gì?

Miễn dịch là khả năng phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập. Khi hệ miễn dịch tiếp xúc với các kháng nguyên lạ như vi khuẩn, virus, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để tiêu diệt chúng. Kháng thể được sinh ra do tự nhiên (cơ thể tự sinh ra hay từ mẹ truyền sang cho trẻ sơ sinh) hoặc do thu được (tiêm vắc-xin là kháng nguyên hay đưa kháng thể vào cơ thể).

Các chất kích thích miễn dịch giúp nâng cao đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân như bệnh nhiễm trùng, ung thư, suy giảm miễn dịch (AIDS) và đưa các kháng thể vào cơ thể. Bên cạnh các thuốc kích thích miễn dịch (immunostimulators), còn có các chất bổ sung tăng cường miễn dịch (immunosubstitutions như vitamin, khoáng chất, thảo dược). Các thuốc kích thích miễn dịch khi đưa vào cơ thể sẽ hoạt hóa các đại thực bào, các tế bào lympho, mono, các cytokine để sinh kháng thể tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.

Chỉ được dùng các thuốc kích thích miễn dịch theo chỉ định của bác sĩ.

Các loại thuốc kích thích miễn dịch

Các nhà khoa học chia các chất kích thích miễn dịch thành 2 loại: Thuốc kích thích miễn dịch và chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch.

Các thuốc kích thích miễn dịch: Bao gồm các thuốc tạo miễn dịch đặc hiệu (vắc-xin, BCG, globulin miễn dịch) và miễn dịch không đặc hiệu (levamisol, các cytokin như interferon, interleukin).

Vắc-xin: Là những kháng nguyên được tạo ra từ vi khuẩn, virus có tác dụng kích thích cơ thể sống sinh ra kháng thể dịch thể và tế bào nhằm chống lại các nhóm kháng nguyên của yếu tố gây bệnh. Trong lâm sàng hay dùng vắc-xin BCG. Vắc-xin BCG có tác dụng tăng cường sự tương tác giữa tế bào lympho T và đại thực bào (macrophage) và làm tăng tiết IL-1.

Interferon (IFN): Là những chất cytokine có cấu trúc glycoprotein. Có tác dụng chung là chống virus, kích thích miễn dịch thông qua sự tăng cường chức năng của bạch cầu hạt và đại thực bào.

Các chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch: Gồm các vi chất như các vitamin (vitamin C, A, D, B...), khoáng chất (selen, kẽm) hay các loại thảo dược (curcumin, tỏi...) có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể phòng chống các bệnh do nhiễm virus cúm, vi khuẩn đường ruột...

Đâu là cách dùng đúng?

Các chuyên gia cho biết, các thuốc kích thích miễn dịch chỉ được dùng trong các trường hợp suy giảm miễn dịch như: Tình trạng suy giảm miễn dịch trong nhiễm HIV/AIDS, viêm gan virus, ung thư, viêm khớp dạng thấp, các bệnh tạo keo...; nhiễm khuẩn cấp tính (cúm, sởi, viêm não...) và mạn tính (đặc biệt trong viêm đường hô hấp ở trẻ em)... Các vi chất dùng bổ trợ nâng cao miễn dịch cho người bệnh, đặc biệt trong các bệnh lý nhiễm khuẩn.

Các thuốc kích thích miễn dịch có rất nhiều ứng dụng trong dự phòng và điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, ung thư, suy giảm miễn dịch hay bệnh hệ thống. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc khác, sử dụng thuốc đúng mục đích sẽ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh. Ngược lại, thuốc là con dao hai lưỡi, có thể gây những phiền toái cho sức khỏe. Mặc dù rất ít gặp tác dụng không mong muốn nhưng nếu dùng với liều quá cao có thể gặp tác dụng bất lợi. Một số tác dụng phụ có thể gặp: Rối loạn tiêu hóa (khô miệng, chán ăn, thay đổi vị giác, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy...); Rối loạn thần kinh (nhức đầu, mất ngủ, choáng váng, giảm tập trung chú ý, lẫn lộn, trầm cảm, đau cơ, đau khớp, chuột rút...); Rối loạn tim mạch (rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp...); Độc với gan, thận, máu, tổn thương da; Hội chứng giả cúm (levamisol).

Để nâng cao sức đề kháng cho bản thân, tốt nhất nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao, bổ sung các vi chất từ thức ăn hằng ngày kết hợp với lối sống khoa học, lành mạnh. Việc sử dụng thuốc kích thích miễn dịch phải theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa được tư vấn từ bác sĩ (kể cả các loại vitamin và khoáng chất), có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Sử dụng các món ăn bài thuốc để tăng cường miễn dịch

Nhân sâm

Theo y học cổ truyền, nhân sâm có tác dụng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí. Nhân sâm được dùng để trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy.

Y học hiện đại đã có nhiều công trình nghiên cứu xác nhận tác dụng dược lý của nhân sâm như tăng lực, tăng trí nhớ, bảo vệ và tác động lên hệ miễn dịch giúp chống viêm, bảo vệ tế bào chống lão hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Món ăn bài thuốc từ nhân sâm:

1.Gà hầm sâm

Nguyên liệu: 1 con gà con, 100g gạo nếp, 50g hạt sen, 2 củ nhân sâm tươi, 4 quả táo tàu, 10g gừng tươi, 10g cam thảo, 20 nhánh tỏi, 20 g hành lá, muối, hạt tiêu xay.

Cách làm: Gà đã làm thịt, được sơ chế sạch. Vo sạch gạo nếp đã chuẩn bị và ngâm gạo trong khoảng 1 giờ, sau đó nhồi một ít gạo vào bụng gà và cho thêm táo vào phần bên trong mình gà. Cho nước và các gia vị còn lại như gừng, hạt sen, cam thảo, tỏi… vào nồi để đun sôi khoảng 30 phút. Sau đó đem gà thả vào nồi nước đã đun sôi rồi hầm cho đến khi gà đủ độ chín.

2.Canh nhân sâm tuyết lê

2.Canh nhân sâm tuyết lê

Nguyên liệu: Nhân sâm 6 g, lê trắng 1 quả, mộc nhĩ trắng 20 g, kỷ tử 12g, hạt sen 12g, đường phèn vừa đủ.

Cách làm: Ngâm hạt sen và mộc nhĩ trắng, sau đó đem mộc nhĩ trắng thái miếng. Lê gọt vỏ, thái thành miếng. Nhân sâm thái lát. Tất cả cho vào bát đậy nắp đem chưng cách thủy khoảng 2 giờ, cho thêm đường phèn vừa đủ.

3.Canh nhân sâm hạt sen

Nguyên liệu: Nhân sâm 6g, hạt sen 12g.

Cách làm: Ngâm hạt sen và nhân sâm cho mềm rồi đem nhân sâm thái lát mỏng. Cho nhân sâm và hạt sen vào bát đậy nắp, hấp cách thủy một giờ. Sau đó, bắc ra cho đường phèn vừa đủ là có thể dùng được.

Nhân sâm có tác dụng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí. Nhân sâm được dùng để trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy.

4.Rượu nhân sâm tươi

Nguyên liệu: Nhân sâm tươi 1kg, rượu trắng (38-40 độ): 10 lít.

Cách làm: Nhân sâm rửa sạch xếp vào bình, đổ rượu ngập sâm. Sau khoảng 6 tháng là dùng được.

Ngọc Anh (T/H)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/tranh-dung-qua-nhieu-thuoc-kich-thich-mien-dich-neu-sai-cach-se-gay-nguy-hiem-73077.html