Tránh đưa sàn thương mại điện tử non trẻ đến 'bờ vực'

Phần lớn những sàn thương mại điện tử (TMĐT) do các địa phương xây dựng và vận hành với nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước được ghi nhận 'đều hoạt động không hiệu quả'. Trong khi đó, khâu chính sách liên quan đến hoạt động, vận hành vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm, nhất là cần tránh để các sàn TMĐT non trẻ rơi vào 'bờ vực' khó khăn.

Nhìn vào các sàn TMĐT của những tỉnh, thành phố ở Việt Nam sẽ thấy khi xếp hạng Alexa (thước đo chuẩn mực trên toàn cầu để đánh giá độ uy tín và hấp dẫn của website) thì hầu hết các sàn này đang được xếp vị trí…ở hàng triệu.

Hoạt động không hiệu quả

Chẳng hạn như sàn TMĐT của tỉnh An Giang (tên miền là http://sanphamangiang.com) đang đứng ở vị trí 7.273.649. Hoặc như sàn TMĐT của Cần Thơ (http://canthotrade.com) hiện được xếp ở vị trí 6.379.962. Hay như sàn TMĐT của Bình Phước (http://ecombinhphuoc.com.vn) đang xếp vị trí 5.628.363.

Các sàn TMĐT ở địa phương mới dừng ở mức trang thông tin điện tử cung cấp thông tin thương nhân và sản phẩm, số giao dịch chưa cao như mong đợi.

Các sàn TMĐT ở địa phương mới dừng ở mức trang thông tin điện tử cung cấp thông tin thương nhân và sản phẩm, số giao dịch chưa cao như mong đợi.

Vị trí xếp hạng trên Alexa của các sàn TMĐT ở địa phương có mức chênh lệch rất lớn so với một số sàn TMĐT hàng đầu ở Việt Nam. Đơn cử như Shopee đang đứng ở thứ hạng 487, Lazada là 1.572, Tiki là 1.606, Sendo là 11.283.

Mới đây, trong Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2022 có dẫn khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) cho thấy đã có 44 địa phương trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và vận hành sàn TMĐT (tính đến tháng 3/2022). Phần lớn các địa phương giao cho Sở Công Thương là đơn vị chủ quản.

Điểm đáng chú ý từ nhận định của báo cáo này là việc: “Tới năm 2022 phần lớn những sàn TMĐT do các địa phương xây dựng và vận hành “đều hoạt động không hiệu quả, số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng…”.

Theo Vecom, có thể thấy các sàn này cơ bản mới dừng ở mức trang thông tin điện tử cung cấp thông tin thương nhân và sản phẩm. Điểm sáng tới nay là Hà Nội và Tp.HCM, hai địa phương dẫn đầu về TMĐT, đã nói không với việc vận hành sàn TMĐT của địa phương mình.

Điều đáng nói, như lưu ý từ báo cáo nêu trên, kinh phí xây dựng và vận hành những sàn này chủ yếu tới từ ngân sách nhà nước. Trong khi các nguồn vốn đầu tư trong nước cho TMĐT còn khan hiếm thì trong một số trường hợp việc sử dụng chúng lại chưa hiệu quả. Chẳng hạn, trong những năm qua một số địa phương đã quan tâm tới TMĐT và giao cho cơ quan quản lý nhà nước liên quan xây dựng các sàn giao dịch TMĐT.

Từ đó, giới chuyên gia nhấn mạnh, nếu như một thập kỷ trước việc xây dựng sàn TMĐT cho mỗi địa phương có thể có một số tác động tích cực thì tới nay các bên liên quan nên rà soát, đánh giá lại việc duy trì hoạt động của các sàn này và đưa ra khuyến nghị để các địa phương sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho TMĐT hiệu quả hơn.

Đừng tạo chính sách gây khó

Ngoài ra, ở góc độ địa phương được giao quản lý và vận hành sàn TMĐT, Phó giám đốc sở Công Thương của một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, cho biết nguồn nhân lực được giao quản lý, vận hành sàn giao dịch TMĐT hiện khá khiêm tốn. Chính phủ, bộ, ngành chưa ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn việc thanh toán chi phí thuê nhân sự để thực hiện quản lý, vận hành sàn TMĐT của địa phương.

Bên cạnh đó, khâu chính sách liên quan đến hoạt động, vận hành của những sàn TMĐT ở địa phương nói riêng và các sàn TMĐT trong nước nói chung với sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) cũng là điều đáng lưu tâm.

Theo quan điểm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN cung cấp nền tảng (hay sàn TMĐT) vẫn đang cố gắng hỗ trợ chuyển đổi số cho người bán, và phát triển hệ thống TMĐT cũng như các loại hình dịch vụ mới.

Do vậy, chính sách chung với đối tượng này vẫn nên tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển và thúc đẩy các DN mới tham gia vào lĩnh vực này.

Chính vì thế, mới đây, khi Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP về thuế, hóa đơn chứng từ, phía VCCI đã bày tỏ mối băn khoăn từ quy định trong Dự thảo về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Cụ thể, ở Điều 1.2 Dự thảo (bổ sung Điều 7.5.k.1 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) quy định các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay cho người bán trên sàn là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài).

Theo VCCI, quy định này có vẻ như không thống nhất với quy định tại luật Thuế thu nhập cá nhân, luật Thuế giá trị gia tăng về chủ thể có trách nhiệm kê khai, nộp thuế của người bán trên sàn TMĐT, chưa thống nhất với Bộ luật Dân sự về chế định đại diện và chưa phù hợp với bản chất hoạt động của sàn TMĐT.

Hơn thế nữa, quy định như trên có thể tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho các sàn TMĐT. Phía VCCI đã tiến hành khảo sát sơ bộ 107 sàn TMĐT thuộc diện tác động của quy định trong Dự thảo trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2022 và thấy rằng quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng tương đối đáng kể chi phí cho các sàn TMĐT.

Theo đó, mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10.65 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này.

Và mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu dự kiến của năm 2023 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 8.12 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-dua-san-thuong-mai-dien-tu-non-tre-den-bo-vuc-1085646.html