Tranh Đông Hồ trong dòng chảy thời gian

Mới đây, Bộ VHTTDL đã đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO. Dự kiến đến cuối năm 2019, hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ được hoàn thiện trình UNESCO xem xét. Đáng chú ý, cũng như nhiều dòng tranh truyền thống khác đang bị mai một, thì tranh Đông Hồ với sự độc đáo của nó đang trở lại với những phiên bản mới.

Một phiên bản mới từ tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”.

Hồ sơ dự tính trình UNESCO đề nghị đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Được biết, hồ sơ được xây dựng kéo dài 3 năm, chia thành hai giai đoạn: Từ 2017 đến tháng 12/2018 là nghiên cứu khảo sát, kiểm kê, lấy phiếu đồng thuận, xây dựng hồ sơ và nộp hồ sơ cho UNESCO đúng hạn. Sau đó, sẽ hoàn thiện theo yêu cầu bổ sung của UNESCO (nếu có, từ tháng 4 đến tháng 12/2019).

Dấu xưa làng Mái

Tranh Đông Hồ xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước, tranh chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Với giá trị cao, dòng tranh này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Màu sắc trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên, không pha trộn. Đường nét tuy cường điệu nhưng đơn giản, mang tính khái quát hình họa cao. Nhưng, thú vị nhất chính là đề tài của dòng tranh này. Đó là những gì rất gần gũi với cuộc sống, như con gà, con lợn trong vườn. Là cảnh sinh hoạt trong cuộc sống người dân, như hứng dừa, bắt cá... Lại có mảng nhấn sâu vào đề tài xã hội như đám cưới chuột, đánh ghen...

Chính vì thế mà dòng tranh này từng có chỗ đứng rất vững chãi trong sinh hoạt của gia đình người Việt. Năm hết tết đến, người ta lại tìm mua tranh Đông Hồ, thay cho chính những bức tranh Đông Hồ đã mua tết năm trước.

Nhưng rồi, theo thời gian, cũng như nhiều dòng tranh dân gian và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, tranh Đông Hồ mai một dần. Người chơi tranh ít đi nên người làm tranh cũng thưa vắng dần. Tới nay, các bản khắc của dòng tranh này không còn nhiều, mà nghệ nhân sống với nghề tại làng Mái (tên thường gọi của làng Đông Hồ) cũng không còn bao nhiêu.

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.

Hôm nay, về làng Đông Hồ bên bờ sông Đuống, đã không còn thấy tấp nập như xưa.

Hy vọng đã được nhen lên

Nhưng người yêu dòng tranh dân gian rất Việt này thường tự hỏi: Tranh Đông Hồ bao giờ lại “sáng bừng trên giấy điệp?”.

Cũng không ít người biết rằng, trong số 12 Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, chỉ có các loại hình về lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn. Trong khi tranh Đông Hồ lại chưa. Phải chăng, đó là điều thiệt thòi cho dòng tranh đã trải qua 500 năm này?

Đã có lúc, một số người cho rằng, muốn dòng tranh này tồn tại thì chỉ có cách vẽ để... bán cho người nước ngoài. Rất may, đau đáu với mỹ thuật truyền thống, thêm nữa đã bị dòng tranh này “hớp hồn”, hiện có không ít người trẻ đã “vẽ lại” tranh Đông Hồ theo cách của mình, theo những nghĩ suy của con người hiện đại.

Làn sóng đương đại hóa tranh Đông Hồ đã và đang thu hút sự chú ý của không ít người. Ngay những người trong giới mỹ thuật cũng chú ý, với không ít lời ngợi khen, tuy rằng cũng có người cho rằng điều đó làm “biến dạng” tranh cổ.

Tết Nguyên đán vừa rồi, không ít người dân Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thích thú khi thấy xuất hiện trên đường phố, trong công viên những bức tranh Đông Hồ mới. Vừa lạ lại vừa quen. Cũng là “đám cưới chuột” đấy nhưng không còn là con mèo chễm trệ đợi lũ chuột lom khom đến cống nạp, mà là một vị... quan bà béo núc.

Cũng thì đánh cảnh ghen đấy, nhưng đượm vẻ hài hước, với trang phục của nhân vật trong tranh là của người hôm nay. Con gà oai phong cất cao tiếng gáy; chú lợn ủn ỉn cũng được cách điệu, gần với bên ngoài hơn. Màu sắc trong các phiên bản này tuy cũng rực rỡ nhưng không phải là với chất liệu truyền thống mà là chất liệu hiện đại.

Đáng chú ý nhất là bộ tranh “Đương đại hóa Đông Hồ”, với sự lồng ghép hài hòa giữa các yếu tố xưa. Em bé ôm gà trống selfie- chính là một trong những bức tranh thú vị. Hay như từ bản gốc tranh “Múa lân”, họa sĩ trẻ ngày nay đã lấy cảm hứng từ U23 Việt Nam để cho ra đời phiên bản với tên gọi “Đón bão xuân U23”.

Từ sự thành công ban đầu, nhiều người hy vọng việc đương đại hóa các dòng tranh dân gian là một hướng đi mới trong việc phát huy giá trị cổ điển của tranh Đông Hồ. Tuy nhiên, sự cảnh tỉnh cũng là cần thiết, khi không ít người khi “làm mới” nghệ thuật truyền thống đã làm biến dạng nó, làm mất đi hồn cốt chỉ vì... yêu quá đó mà thôi.

Ngọc Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tranh-dong-ho-trong-dong-chay-thoi-gian-tintuc408683