Tránh độc quyền Nhà nước về năng lượng: Còn nhiều việc phải làm

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, ngành năng lượng Việt Nam còn nhiều hạn chế, yếu kém như tình trạng độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường...

Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020

Sáng 22/7, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng, đã bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra.

Tuy vậy, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội, ông Nguyễn Văn Bình nêu.

Theo đó, trên cơ sở Đề án tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sau khi được ban hành, Nghị quyết 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế; tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị. Ngay cả các tổ chức quốc tế cũng đánh giá, Nghị quyết 55 được ban hành rất kịp thời với quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện và quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng đã nêu trong Nghị quyết 55.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trình Đình Dũng cũng nhấn mạnh, để Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống cần tập trung xây dựng các chiến lược về năng lượng quốc gia, trong đó tập trung xây dựng quy hoạch năng lượng 2021-2030 và tầm nhìn 2045 về tổng thể chiến lược phát triển năng lượng quốc gia cũng như nguồn nhân lực và hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia.

Đồng thời, giảm dần nguồn điện hóa thạch gây ô nhiễm môi trường và tăng cường nguồn năng lượng tái tạo để tiến tới phát triển bền vững nguồn năng lượng quốc gia; cũng như xây dựng rõ không gian bố trí nguồn năng lượng tại từng khu vực, địa phương, nâng cao hiệu quả đầu tư, đáp ứng hiệu quả giải tỏa công suất, tránh chống lấn; hệ thống truyền tải phải xây dựng hiện đại, đồng bộ, thông minh kết nối trong nước và với các quốc gia trong khu vực,...

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung xây dựng kế hoạch về tiến độ, để xác định rõ kế hoạch về tiến độ để huy động nguồn lực trong từng giai đoạn năm, đáp ứng yêu cầu đảm bảo nguồn nhân lực.

Việc chuyển đổi năng lượng cần thực hiện theo cơ chế thị trường, cho đến nay ngành điện Việt Nam đã hoạt động theo cơ chế thị trường, giá bán lẻ điện đã thực hiện theo cơ chế thị trường.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chiến lược năng lượng cạnh tranh bám sát Nghị quyết 55, phấn đấu đến năm 2023 xây dựng thị trường cạnh tranh, thí điểm mô hình trạm phân phối khí, từng bước đồng bộ với thị trường năng lượng cạnh tranh.

Thông tin về các chiến lược của Chính phủ về năng lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020, Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII nhằm tạo nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển năng lượng, điện lực Việt Nam trong thời gian tới.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//thoi-su/tranh-doc-quyen-nha-nuoc-ve-nang-luong-con-nhieu-viec-phai-lam-3548841.html