Tranh do thuật toán vẽ gây sốc vì mức giá gấp 43 lần dự đoán

Bức tranh do trí tuệ nhân tạo làm ra, đã đạt mức giá khủng khi được đem ra đấu giá tại New York.

"Edmond de Belamy" đã trở thành bức tranh được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo đầu tiên được đem đấu giá. Chưa dừng lại đó, hôm qua (25/10), tác phẩm này lại một lần nữa gây bất ngờ khi được bán với giá 432.500 USD – gấp hơn 43 lần so với mức giá dự đoán ban đầu.

Tác phẩm "Edmond de Belamy" vừa được bán với mức giá 432.500 USD

Richard Lloyd, trong những lãnh đạo của nhà đấu giá Christie's New York cho biết: "Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một công cụ của các nghệ sỹ đương đại, và cùng với sự phát triển của công nghệ, chúng tôi rất vui mừng được tham gia vào những cuộc đối thoại như vậy. Và cách tốt nhất là đem tới một nền tảng công cộng để trưng bày tác phẩm nghệ thuật được hoàn toàn sáng tạo bởi một thuật toán".

Obvious, một nhóm 3 người đến từ Paris, chính là những người "thai nghén" nên "Edmond de Belamy". Mặc dù không một ai trong số này có nền tảng nghệ thuật, nhưng bắt đầu từ năm ngoái, Pierre Fautrel, Hugo Caselles-Dupré và Gauthier Vernier đã bắt đầu thử nghiệm với nghệ thuật và công nghệ.

"Chúng tôi nhận thấy thuật toán có khả năng tạo ra các hình ảnh mới, và chúng tôi rất ngạc nhiên trước tiềm năng này", Vernier nói.

Để tạo ra "Edmond de Belamy" và 10 bức chân dung khác trong serie "La Famille de Belamy", Obvious đã cung cấp cho thuật toán 15.000 bức chân dung đến từ các thời kỳ khác nhau. Thuật toán này sau đó đã sản xuất ra các bức chân dung của riêng mình, và tạo ra những tác phẩm nguyên gốc có thể được đánh giá tương đương với "do người sáng tạo nên".

"Chúng tôi nhìn vào những bức chân dung này theo cách một họa sỹ thường làm. Nó giống như bạn đi trong một triển lãm để tìm kiếm cảm hứng. Ngoại trừ việc chúng tôi cung cấp nguồn cảm hứng cho thuật toán, và thuật toán là bộ phận tạo ra sản phẩm cuối".

Ban đầu việc đưa "Edmond de Belamy" ra sàn đấu giá cũng vấp phải một số chỉ trích. Nhiều người cho rằng sử dụng thuật toán để sáng tạo không còn là điều quá mới mẻ trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, kết quả đến từ sàn đấu giá cho thấy Obvious đã đi đúng hướng, với những tác phẩm nhận được sự quan tâm từ các nhà sưu tập khắp toàn cầu.

"Tôi nghĩ trí tuệ nhân tạo đã có vị trí trong giới nghệ thuật, bởi vì nó cố gắng tái hiện những gì mà người nghệ sỹ sẽ làm, như sáng tạo từ những gì mình đã biết", Vernier nói. "Nó giúp bạn hiểu được sự sáng tạo của riêng mình và cách bạn thực hiện nó".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tranh-do-thuat-toan-ve-gay-soc-vi-muc-gia-gap-43-lan-du-doan-20181026114320322.htm