Tranh đỏ Kim Hoàng: Qua mùa thương nhớ

Các cụ cao niên thì hồ hởi kể chuyện làng tranh xưa mỗi dịp Tết đến, còn người trẻ lại say sưa vẽ những bức gà, lợn… trên nền giấy đỏ chói. Ngần ấy thôi, cũng đủ cho chúng tôi tin, một mai nghề làm tranh Tết Kim Hoàng sẽ trở lại hoàng kim như những gì nó từng có, để người 'muôn năm cũ' trong làng nhắc đến nó không phải là nỗi nhớ thương đầy vơi.

Hồi sinh từ ký ức

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ngôi làng cổ ven đô đang trong quá trình đô thị hóa nhưng vẫn giữ được nét trầm mặc vốn có xưa kia, với cây đa, giếng nước, mái đình. Cạnh ngôi đình làng cổ kính là nhà truyền thống của thôn - nơi lưu giữ những câu chuyện về dòng tranh đỏ Kim Hoàng.

Nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung đang miệt mài vẽ tranh

Nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung đang miệt mài vẽ tranh

May mắn thay, chúng tôi gặp được cụ Trần Ất, ở xóm 8, thôn Kim Hoàng. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm (chỉ hơn 1 năm nữa thôi cụ sẽ tự hào là người sống chọn 1 thế kỷ) nhưng cụ Ất vẫn rất minh mẫn. Khi gợi lại chuyện về làng tranh xưa, ánh mắt cụ như ngời lên niềm vui xen lẫn tự hào. Cụ bảo, mình không phải là người trực tiếp làm tranh, thế nhưng từ năm lên 9 lên 10, cứ vào ngày 23, 24 áp Tết đều theo chân bố “quẩy” tranh ra chợ Sấu, chợ Vạng để bán. Thời ấy, người ta rất thích treo tranh Tết. Bởi vậy, dù người bán khá nhiều nhưng chỉ đến 10 giờ trưa đã không còn tranh để bán.

Khác với tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp, tranh Hàng Trống sử dụng giấy dó…, nét đặc trưng của tranh Kim Hoàng là dòng tranh Tết được in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó để chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người.

“Vì thế, dù cũng là tranh in nhưng tranh làng tôi rất có hồn, mỗi bức mang một diện mạo riêng” - Cụ Ất nói và kể rằng, ngày ấy, mỗi Tết đến, nhà nào cũng cố mua cho được một vài đôi bức tranh dân gian để về dán trên vách nhà. Trong đó, những bức về gà, lợn, ông tướng canh cổng, ông Công ông Táo được nhiều người mua nhất.

Không kém phần hào hứng khi nhắc tới nghề quý của làng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Canh - Nguyễn Thế Minh (nguyên trưởng thôn Kim Hoàng) tự hào cho biết: Tranh dân gian Kim Hoàng phát triển mạnh vào khoảng thế kỷ 18 đến thế kỷ 19. Làng Kim Hoàng vốn là sự hợp nhất của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng. Tranh Tết ở Kim Hoàng trước đây có nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất là tranh thờ và đặc sắc nhất là hình ảnh cặp gà trống, được coi là “thần kê” của tranh Kim Hoàng. Người xưa quan niệm treo tranh “thần kê” trong nhà vào dịp đầu năm sẽ giúp gia chủ xua đuổi yêu ma tà khí, đem lại sự bình an. Tuy nhiên, từ khoảng những năm 1945, khi làng Kim Hoàng bị lũ lụt, cuốn trôi hết bản khuôn, khiến dòng tranh này bị thất truyền từ đó.

Và những mối lương duyên…

Sau gần 8 thập kỷ thất truyền, tranh đỏ Kim Hoàng đang dần hồi sinh. Người được ông Nguyễn Thế Minh nhắc tới có duyên đưa dòng tranh này dần sống lại là nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Dù không phải là người con của làng nhưng trong quá trình sưu tầm tranh dân gian, thấy tiếc cho dòng tranh Tết đẹp bị thất truyền, nhà sưu tập Thu Hòa đã nghĩ đến việc phục hồi lại dòng tranh này.

Để có được những bản khắc gỗ của tranh Kim Hoàng, bà Hòa đã tìm đến các bảo tàng, gặp gỡ các nhà sưu tập trong và ngoài nước để kiếm những bản khắc gỗ xưa còn sót lại. Sau khi tìm được mẫu tranh, bà Hòa đã gặp gỡ một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu mỹ thuật, chính quyền trong thôn Kim Hoàng cùng xã Vân Canh... đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ bà khôi phục dòng tranh.

Hình như có lương duyên từ trước, khi biết được việc làm của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, người con của làng - Đào Đình Trung (sinh năm 1979) đã đăng ký tham gia và được chị Hòa chọn anh để đầu tư cho đi học vẽ, học cách làm tranh, cách thực hiện công việc phục hồi dòng tranh này. Vậy là ngày lại ngày, bên chiếc bàn nhỏ, với la liệt bút, giấy, màu và những chồng ván in khắc tranh trên gỗ... Đào Đình Trung miệt mài, tỉ mẩn tạo ra từng bức tranh đỏ Kim Hoàng.

Cụ Ất nhớ về một thời hoàng kim của làng tranh xưa

Thấm thoắt cũng hơn 3 năm, tranh Kim Hoàng dường như đang hồi sinh khi rất nhiều bạn trẻ thích thú tìm đến mua tranh; thậm chí còn được mời tham dự các triển lãm giới thiệu ở một số sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài nước. Chào năm mới 2019, nhiều mẫu tranh Kim Hoàng có in hình chú lợn, bộ lịch Xuân Kỷ Hợi… trở nên đắt khách.

Chia sẻ lý do đam mê với nghề, Trung cho biết, là người con của làng, từ khi còn rất nhỏ, tôi vẫn hay nghe các cụ trong làng kể về dòng tranh Tết của làng xưa kia với niềm tự hào và có cả nỗi nhớ khắc khoải. Khi đó, tôi chưa hiểu được nhiều điều, nhưng cũng cảm thấy tiếc nuối và ước ao làm được điều gì đó để có thể vực dậy làng tranh thì tôi sẵn lòng...

Hành trình để đưa dòng tranh Kim Hoàng hồi sinh vẫn còn vô vàn khó khăn, nhưng tận mắt chứng kiến dòng tranh quý của làng đã được những người có tâm đầu tư, gìn giữ, trong lòng chúng tôi đầy hy vọng, một mai tranh Kim Hoàng sẽ tìm lại được vị thế của một thời vang bóng…

Ông NguyễnThế Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Canh: Chính quyền xã rất mong muốn khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng, nên dù còn khó khăn, nhưng xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, nhân lực để hỗ trợ khôi phục dòng tranh quý này.

Thanh Tâm - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tranh-do-kim-hoang-qua-mua-thuong-nho-115220.html