Tránh để doanh nghiệp nội 'lép vế'

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết mở cửa thị trường, sự xuất hiện của doanh nghiệp (DN) ngoại ngày càng nhiều, Việt Nam cần gấp rút xây dựng chiến lược tổng thể đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước (TMTN) tránh tình trạng DN nội lép vế ngay trên 'sân nhà'.

Thị trường trong nước đóng góp hơn 10% vào GDP

Những năm qua, TMTN tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn từ năm 2006 đến 2018, mặc dù đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng đóng góp bình quân của TMTN trong GDP đều đạt mức hơn 10%/năm, tạo việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba về tạo việc làm, sau ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo). Tính chung từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ…

Kiểm tra chất lượng hàng hóa tại siêu thị Vinmart ở Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC.

Thực tế, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ ngày càng quan tâm đến phát triển thị trường trong nước thông qua các chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Song, theo các chuyên gia kinh tế, bản chất thương mại đang thay đổi nhanh với sự xuất hiện của các hình thức thương mại áp dụng công nghệ số cùng với sự “đổ bộ” của nhiều nhà phân phối nước ngoài có chất lượng hàng hóa và dịch vụ vượt trội, khiến thị trường trong nước của DN Việt Nam ngày càng có nguy cơ bị thu hẹp.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, đến nay Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển TMTN bền vững. Chỉ ra những tồn tại hạn chế của phát triển TMTN hiện nay, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù thương mại hàng hóa trong nước và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng còn mang tính tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian. Đáng chú ý, trật tự thị trường chưa bảo đảm. Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu kiểm soát mặt trái của thị trường trong lĩnh vực TMTN. Công tác phát hiện và xử lý hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều trở ngại. Do đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TMTN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Hình thành chuỗi cung ứng trong nước

Dự thảo Chiến lược phát triển TMTN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Theo Bộ Công Thương, quan điểm phát triển TMTN trong thời gian tới phải dựa trên nền tảng thị trường và tôn trọng quy tắc thị trường. Theo đó, giải pháp và các đề án, nhiệm vụ của chiến lược hướng tới việc giải quyết được những vấn đề về tổ chức kênh phân phối (truyền thống và hiện đại); về loại hình, phương thức kinh doanh; về kết cấu hạ tầng thương mại; về các loại hình DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, khu vực…

Về mục tiêu cụ thể đặt ra, ông Trần Duy Đông cho biết: "Giai đoạn từ nay tới năm 2020, GDP lĩnh vực thương mại chiếm 9,61% tổng GDP của cả nước; tốc độ tăng bình quân của ngành đạt khoảng 12,6%/năm. Đến năm 2020, mức bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 95% tổng mức bán lẻ thương mại hóa của cả nước".

Gợi mở giải pháp nâng cao chất lượng của hoạt động TMTN, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Trong thời gian tới, cần có cơ quan dự báo thị trường, giải pháp cho kênh phân phối theo hướng không để tình trạng hàng nước ngoài tràn lan ở các kênh phân phối. Bên cạnh đó, phương thức quản lý cũng cần thay đổi để phù hợp với sự bùng nổ của thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Đặc biệt, trong cơ chế cạnh tranh sòng phẳng, hàng Việt Nam phải nâng cấp chất lượng và dịch vụ, để không chỉ ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam mà hàng Việt Nam phải chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.

Nhấn mạnh về phương thức thương mại đang thay đổi nhanh chóng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đào Văn Hùng phân tích, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn như Alibaba không sở hữu cửa hàng nào nhưng thị phần bán lẻ lại rất lớn. Vì vậy, chiến lược đưa ra cũng phải dự đoán được sự tác động của công nghệ đến chính sách. Bên cạnh đó, chiến lược cũng cần bổ sung thêm nguồn lực về cơ chế và nguồn vốn để nâng cấp chợ truyền thống vì tính tiện dụng của loại hình này.

Gợi mở giải pháp phát triển TMTN, chuyên gia thương mại Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng: Trọng tâm đầu tiên là phát triển chuỗi cung ứng khép kín theo hướng phát triển các DN, tập đoàn có quy mô lớn, có tính chỉ huy để liên kết từ nhà đầu tư, đến khâu sản xuất, chế biến và phân phối, kèm theo là hệ thống dịch vụ logistics. Cách làm theo chuỗi này sẽ kiểm soát được chất lượng hàng hóa, tiết giảm chi phí và chính những DN này sẽ quyết định sự thành công của hệ thống, chuỗi cung ứng. Cùng đó, cần liên kết các hộ kinh doanh, bán lẻ thành chuỗi cửa hàng tiện lợi mới có thể chiếm lĩnh thị trường một cách bền vững.

Đứng từ góc độ DN, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái, đề nghị Bộ Công Thương phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch hạ tầng thương mại, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu các kênh phân phối hàng hóa, dẫn đến tình trạng lãng phí hoặc DN tự triệt tiêu lẫn nhau.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tranh-de-doanh-nghiep-noi-lep-ve-559249