Tránh đầu tư lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế 'xin cho'

Theo các đại biểu Quốc hội, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế 'xin cho'...

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 24/7, các đại biểu thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

2,87 triệu tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn

Theo tờ trình của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỉ đồng (2,87 triệu tỉ đồng), bao gồm 1.500 nghìn tỉ đồng vốn ngân sách trung ương (trong đó có 1.200 nghìn tỉ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỉ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỉ đồng vốn ngân sách địa phương.

Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho một dự án là 210,4 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỉ đồng/dự án).

Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Anh Tuấn.

Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Anh Tuấn.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xóa bỏ cơ chế ”xin cho”

Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến nhất trí tăng vốn đầu tư công dự kiến tăng so với giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Đại biểu Lại Xuân Môn (Cao Bằng) chỉ ra, việc sử dụng, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là việc phân bổ nguồn vốn còn dàn trải, chưa hợp lý. Theo đại biểu Lại Xuân Môn, việc giải ngân vốn phải khoa học, đầu tư đúng chỗ, có trọng điểm mới tạo được sức mạnh lan tỏa; căn cứ vào từng khu vực để đầu tư, đặc biệt cần chú trọng ưu tiên các công trình, dự án hạ tầng, giao thông vì có thể tạo nguồn thu cho địa phương một cách bền vững.

Chung quan điểm, đại biểu Đôn Tuấn Phong (tỉnh An Giang) cho rằng các quyết định đầu tư phải có lựa chọn, có trọng tâm, tránh trường hợp dàn trải, đầu tư nhỏ giọt; đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

“Ngân sách có sẵn không đầu tư đã là lãng phí, nhưng cả vốn vay vẫn giải ngân chậm thì lại càng lãng phí hơn”, đại biểu bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, đối với những dự án nào thực sự không thể vận hành được thì ‘đau cũng phải cắt’ nếu không tình trạng thua lỗ kéo dài.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng quá nhiều công trình lớn dang dở trong nhiều năm là sự lãng phí rất lớn trong khi đó nhiều dự án cần vốn thì lại không được đầu tư.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta đang dựa chủ yều vào nguồn lực Nhà nước trong khi đó còn những dư địa lớn nhưng không được khai thác đúng mực như các quỹ đầu tư lớn, nguồn lực trong nhân dân và doanh nghiệp lớn nhưng chưa được huy động. Trên cơ sở đó, kiến nghị Quốc hội cần giải phóng về cơ chế, bắt đầu từ cơ chế lợi ích, không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn ở lợi ích về mặt xã hội.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phản ánh, vẫn còn tình trạng các dự án chưa được phê duyệt đầu tư nhưng vẫn tổ chức khởi công trước rồi sau đó tự động đưa vào danh mục các dự án đầu tư trong khi chưa có chủ trương phê duyệt.

Đại biểu bày tỏ trăn trở, cho rằng cách làm chưa thực sự minh bạch, vẫn còn cơ chế ‘‘xin cho’’...

“Nếu vẫn để tồn tại thì làm sao tập trung nguồn lực đầu tư cho mũi nhọn như mong muốn được”, đại biểu nói./.

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/tranh-dau-tu-lang-phi-kem-hieu-qua-xoa-bo-co-che-xin-cho-586307.html