Tránh đào tạo không gắn với sử dụng

Ngày 14/1/2018, tại Khánh Hòa, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với một số nội dung chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây là một trong chuỗi các hoạt động lấy ý kiến nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Bộ GD&ĐT.

Nhà giáo góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Khánh Hòa

Nhà giáo góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Khánh Hòa

Tham dự Hội thảo có ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ông Trần Trung Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), các cán bộ, chuyên viên Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục; đại diện 21 Sở GD&ĐT, đại diện 21 trường ĐH, trường CĐ sư phạm khu vực miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam.

Nội dung xin ý kiến được lấy thông qua phiếu xin ý kiến do Ban tổ chức đã chuẩn bị và các ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo.

Đưa ra những vấn đề cần tập trung góp ý, ông Đặng Văn Bình, Trưởng phòng Chính sách nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục) nhấn mạnh nội dung về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn với nhà giáo; về cán bộ quản lý giáo dục; tuyển dụng, phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp và sử dụng nhà giáo; chính sách lương và phụ cấp đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; chính sách tôn vinh, khen thưởng.

Các nhà giáo, CBQL đến từ 21 tỉnh thành, trường ĐH, CĐ sư phạm góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Tại hội thảo, nội dung về tuyển dụng, phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp và sử dụng nhà giáo được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý.

Theo ông Đặng Văn Bình, hiện nay, việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo ở các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo Luật Lao động, Luật Viên chức (do các cơ quan nhà nước và cơ sở giáo dục thực hiện); nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo Luật Lao động (do các cơ sở giáo dục thực hiện) do đó dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, mất cân đối về cơ cấu; đào tạo không gắn với sử dụng diễn ra ở nhiều nơi mà Bộ GD&ĐT không có chức năng thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, đây là vấn đề bị chi phối bởi các Luật: Luật chính quyền địa phương, Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Do đó, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định: "Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo, trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo”.

Nhiều ý kiến đồng ý với quy định này với lý do đảm bảo được tính công khai, minh bạch về tiêu chuẩn chức danh, danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng làm việc trong cơ sở giáo dục; khắc phục tình trạng mất cân đối trọng cơ cấu đào tạo, sử dụng lao động ngành Giáo dục hiện nay.

Đại diện 21 sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ sư phạm góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Theo ông Nguyễn Vĩnh Toàn, Trường ĐH Tiền Giang, quy định như trong dự thảo tránh được việc tuyển dụng, phân công nơi thừa, nơi thiếu giáo viên; tránh được đào tạo không gắn với sử dụng. “Hiện việc tuyển dụng, phân công cán bộ viên chức bị chi phối bởi nhiều luật, phát sinh nhiều khó khăn, bất cập” – ông Nguyễn Vĩnh Toàn cho hay.

Liên quan tuyển dụng giáo viên, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm: Bộ GD&ĐT quyết định và chịu trách nhiệm trong tuyển dụng, phân công công tác cho sinh viên sư phạm.

Về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo, một số ý kiến băn khoăn yêu cầu nhà giáo phải có “lý lịch bản thân rõ ràng” và đặt câu hỏi liệu có thực sự cần thiết phải đưa điều này vào trong luật?

Về nội dung cán bộ quản lý, có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm khái niệm cán bộ quản lý giáo dục; cần quy định rõ đối tượng nào được gọi là cán bộ quản lý giáo dục. Có ý kiến bổ sung đối tượng “quản lý” trong khái niệm về nhà giáo, ngoài đối tượng là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường...

Vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ với nhà giáo cũng được quan tâm góp ý. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định trong dự thảo còn chung chung và đề nghị nên cụ thể hơn quy định “ưu tiên” về lương, phụ cấp với nhà giáo; xác định rõ các chính sách của nhà nước đối với nhà giáo... Có ý kiến nhấn mạnh, chính sách cho nhà giáo phải đi kèm với năng lực và tương xứng với năng lực... Vấn đề phụ cấp thâm niên nhà giáo cần có quy định rõ ràng và bổ sung thêm để chuyên viên phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT cũng được hưởng phụ cấp thâm niên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tranh-dao-tao-khong-gan-voi-su-dung-3975988-v.html