Tranh dân gian Đông Hồ chờ vinh danh

Là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của Việt Nam, tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang được gấp rút hoàn thiện hồ sơ để tháng 12 tới trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định.

Du khách tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ.

Du khách tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ.

Đó là thông tin được GS.TS Bùi Quang Thanh -Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (đơn vị được giao làm hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”) vừa cho biết tại buổi ra mắt cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”.

Theo GS Thanh, hiện quá trình hoàn thiện hồ sơ không gặp trắc trở gì vì nguồn tư liệu phong phú, hơn nữa lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, đặc biệt các gia đình nghệ nhân làm tranh ở làng Đông Hồ…

Cụ thể hơn, GS Thanh cho hay, thời gian gần đây tỉnh Bắc Ninh quan tâm đến việc phát triển làng nghề bằng việc đầu tư gần 100 tỷ đồng cho dự án xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ bao gồm các hạng mục: xây dựng nhà truyền thống, tu bổ nhà thờ, mở lại chợ tranh…

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết, hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” sẽ phải xếp hàng sau khi các hồ sơ “Then Tày, Nùng, Thái”, “Nghệ thuật xòe Thái”, “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO được bỏ phiếu.

“Sở dĩ đề nghị UNESCO đưa tranh Đông Hồ vào danh mục Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp bởi lẽ tranh Đông Hồ có lịch sử lâu đời, rất có giá trị nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Theo thống kê, làng tranh Đông Hồ hiện có gần 5.000 bản khắc đang lưu giữ tại gia đình của 3 nghệ nhân nhưng hầu như đều bị “phủ bụi” bởi cùng gặp khó về vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm như các làng nghề ở Việt Nam. Thế hệ nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân có năng lực chạm khắc ngày càng ít đi, nguy cơ khan hiếm nguyên vật liệu ngày càng cao”- GS.TS Bùi Quang Thanh chia sẻ, đồng thời cho biết thêm: “Hiện làng Đông Hồ chỉ còn 34 người gắn bó với nghề làm tranh, tập trung trong 3 gia đình, trong đó riêng gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có 24 người…”

Ngoài nỗ lực của tỉnh, các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài cũng góp sức quảng bá di sản tranh dân gian Đông Hồ ra thế giới thông qua các cơ chế ngoại giao dùng tranh dân gian Đông Hồ làm quà tặng. Các nghệ nhân tại làng nghề cũng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo cơ hội cho các em học sinh đến trải nghiệm học làm tranh...

GS Thanh tin rằng, với sự chung tay, góp sức của nhiều người, hồ sơ nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ hoàn thành đúng thời hạn và sẽ sớm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Thái Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tranh-dan-gian-dong-ho-cho-vinh-danh-tintuc444075