Tránh cứng nhắc trong điều chỉnh chế độ vợ liệt sĩ cô đơn

Gần đây, Báo Nhân Dân nhận được thư của bà Nguyễn Thị Thái, là vợ liệt sĩ Chu Văn Cương ở Bắc Giang, phản ánh về việc bà không có con, không lấy chồng khác sau khi liệt sĩ hy sinh, nhưng hiện nay bà không được hưởng chế độ vợ liệt sĩ cô đơn. Phóng viên Báo Nhân Dân đã về địa phương xác minh sự việc.

Năm 1964, khi 19 tuổi, bà Nguyễn Thị Thái, quê ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) kết hôn với ông Chu Văn Cương, ở xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Những ngày tháng hạnh phúc bên chồng thật ngắn ngủi, hơn hai tháng sau, ông Cương lên đường nhập ngũ. Biền biệt hai năm, ông mới được về phép 10 ngày trước khi vào chiến trường miền nam chiến đấu. Trên đường hành quân, ông gửi về cho bà một bức thư (là kỷ vật cuối cùng ông trao gửi cho bà). Kể từ đó, bà bặt tin ông. Mãi đến tháng 12-1976, bà nhận được giấy báo ông hy sinh ngày 12-6-1969 tại mặt trận phía nam. Hơn 10 năm sau ngày cưới tính trọn thời gian bà được sống hạnh phúc bên chồng là chưa đầy ba tháng. Mồ côi mẹ từ năm lên hai tuổi, hai người anh trai đã hy sinh, rồi chồng cũng hy sinh khi hai người chưa kịp có con, nỗi đau quá lớn nhưng bà vẫn gắng gượng sống, một lòng thủy chung với người chồng đã hy sinh, tận tình chăm sóc bố chồng, lo toan, gánh vác công việc nhà chồng. Không chỉ vậy, là một đảng viên, bà còn tích cực, nhiệt tình tham gia các phong trào tại địa phương, là đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã, rồi đại biểu HĐND xã, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã…

Năm 1978, ông Chu Văn Lương (bố liệt sĩ Chu Văn Cương) nhận một bé trai khoảng sáu tuổi từ trại trẻ mồ côi đưa về nhà để chăm sóc cho bớt phần cô đơn, trống trải. Bố chồng tôi đặt tên cho cháu là Chu Văn Nhẫn, bà Thái kể. Cậu bé Nhẫn đã được gia đình nuôi dạy, được học hành cho đến tuổi trưởng thành rồi lập gia đình.

Năm 1992, do sức khỏe suy yếu, bà Thái đề nghị được hưởng trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tỉnh Hà Bắc (trước đây) đã ban hành quyết định cho bà Thái hưởng trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ kể từ ngày 1-3-1993. Năm 2001, bà Thái tiếp tục có đơn đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp vợ liệt sĩ cô đơn. UBND xã Mai Đình đã tổ chức hội nghị quân - dân - chính để xem xét đơn của bà Thái. Hội nghị nhất trí đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hằng tháng cho bà Nguyễn Thị Thái vì bà không có con với liệt sĩ, không đi lấy chồng khác, không sinh thêm con và không có con nuôi, hiện sống độc thân. Sau khi xác minh, ngày 27-12-2005, Phòng Nội vụ - LĐ - TB và XH huyện Hiệp Hòa có công văn đề nghị Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang giải quyết chế độ tuất nuôi dưỡng hằng tháng cho bà Nguyễn Thị Thái. Ngày 18-7-2006, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định điều chỉnh mức trợ cấp tiền tuất từ chế độ trợ cấp thường lên chế độ nuôi dưỡng hằng tháng cho bà Nguyễn Thị Thái.

Tháng 4-2018, ông Chu Văn Soạn ở thôn Vọng Giang, xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có đơn gửi Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang cho rằng bà Nguyễn Thị Thái hưởng chế độ tiền tuất nuôi dưỡng hằng tháng đối với vợ liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa là không đúng quy định. Sau khi tiến hành xác minh nội dung đơn phản ánh nêu trên, ngày 4-5-2018, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 1710/QĐ-LĐTB&XH về việc điều chỉnh chế độ trợ cấp tuất đối với thân nhân liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa sang hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng bằng một lần mức chuẩn đối với bà Nguyễn Thị Thái kể từ tháng 6-2018.

Làm việc với chúng tôi, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Thu Hiền cho rằng: Bà Thái nuôi anh Nhẫn từ nhỏ, hiện nay bà Thái vẫn sống chung một nhà, sinh hoạt hằng ngày với vợ chồng anh Nhẫn, vì vậy không phải là người sống cô đơn không nơi nương tựa, độc thân, không còn thân nhân. Căn cứ quy định tại các thời điểm, việc bà Thái hưởng chế độ tuất đối với thân nhân liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa là không đúng quy định. Vì vậy, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định điều chỉnh chế độ trợ cấp tiền tuất đối với bà Thái về mức hưởng chế độ trợ cấp thường.

Qua xác minh thực tế tại địa phương, chúng tôi nhận thấy trong các sổ đăng ký hộ khẩu còn lưu giữ tại UBND xã Mai Đình từ năm 1995 cho đến nay đều thể hiện bà Nguyễn Thị Thái là hộ độc thân (anh Chu Văn Nhẫn không có tên trong hộ khẩu gia đình bà Thái). Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình Đinh Văn Tám xác nhận, bà Thái có nuôi anh Nhẫn nhưng không làm thủ tục pháp lý nhận con nuôi, không đăng ký giấy khai sinh cho anh Nhẫn tại UBND xã Mai Đình. Ông Đặng Văn Quyên, nguyên Xã đội trưởng, hiện là cán bộ LĐ-TB và XH xã Mai Đình cũng xác nhận, vào thời điểm làm thủ tục đề nghị hưởng chế độ vợ liệt sĩ cô đơn và cho đến nay, hộ khẩu của bà Thái chỉ có duy nhất một người là bà Nguyễn Thị Thái. Quan hệ mẹ nuôi - con nuôi giữa bà Thái và anh Nhẫn chỉ tồn tại trên thực tế, không có trong các tài liệu, văn bản pháp lý. Hiện nay anh Nhẫn đã lập gia đình riêng, có bốn người con, điều kiện kinh tế khó khăn, dù ở chung một nhà nhưng anh Nhẫn cũng không có khả năng chu cấp, phụng dưỡng bà Thái.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, tại thời điểm bà Thái làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp vợ liệt sĩ cô đơn, ông Chu Văn Soạn là Trưởng thôn Vọng Giang (nơi bà Thái cư trú). Tại biên bản cuộc họp xác minh vợ liệt sĩ cô đơn được lập ngày 3-7-2001 của UBND xã Mai Đình, ông Chu Văn Soạn cũng thống nhất đề nghị Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang xem xét, giải quyết cho bà Nguyễn Thị Thái được hưởng chế độ trợ cấp vợ liệt sĩ cô đơn. Biên bản này nêu rõ: “Qua xác minh cuộc sống hiện tại của bà Thái, đối chiếu với chính sách của Đảng và Chính phủ, chúng tôi thấy bà đủ điều kiện để hưởng trợ cấp tuất vợ liệt sĩ cô đơn”. Hơn 10 năm đã trôi qua, không hiểu vì lý do gì, đến nay ông Chu Văn Soạn lại có đơn phản ánh bà Thái hưởng trợ cấp tuất vợ liệt sĩ cô đơn là không đúng quy định!?

Ông Chu Minh Chiến, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mai Đình cho rằng, đối chiếu các quy định của Đảng và Nhà nước trước đây và hiện nay, bà Thái có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn và hoàn toàn xứng đáng được hưởng chế độ trợ cấp vợ liệt sĩ cô đơn. “Một người phụ nữ có chồng hy sinh ngoài mặt trận, dù chưa có con nhưng vẫn một lòng chung thủy với người chồng đã hy sinh, không đi bước nữa, ở vậy chăm sóc bố chồng cho đến khi ông qua đời, lo toan gánh vác công việc nhà chồng. Cả một đời chịu nhiều hy sinh, mất mát, thiệt thòi như thế, nay tuổi đã cao, sức yếu, chỉ sống dựa vào chế độ trợ cấp mà lại bị cắt đi chế độ vợ liệt sĩ cô đơn là không công bằng với bà ấy”, ông Chiến chia sẻ. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều cán bộ, đảng viên và người dân ở nơi bà Thái đang sinh sống.

Về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Hà (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang căn cứ Khoản 5, Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP đã ra quyết định điều chỉnh từ chế độ trợ cấp tuất đối với thân nhân liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa của bà Thái về mức hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng như vậy là cứng nhắc, hiểu và áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật. Khoản 5, Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định: “Người sống cô đơn không nơi nương tựa là người sống độc thân, không có hoặc không còn thân nhân”. Qua các tài liệu, hồ sơ lý lịch tư pháp được lưu giữ tại địa phương, có đủ cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Thái là người sống độc thân, từ khi nhận được giấy báo tử của chồng là ông Chu Văn Cương hy sinh ngày 12-6-1969 đến nay bà Thái chưa tái hôn, vẫn là người độc thân. Cho đến nay, chưa có tài liệu pháp lý nào chứng minh bà Thái có con đẻ hay con nuôi, hộ khẩu của bà Thái cũng thể hiện bà chỉ có một mình. Việc bà Thái nhận nuôi dưỡng và sống cùng anh Nhẫn chỉ là quan hệ tình cảm cá nhân, chưa được pháp luật công nhận nên không thể coi anh Nhẫn là thân nhân của bà Thái.

“Tôi không đồng tình với việc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang cắt chế độ trợ cấp nuôi dưỡng vợ liệt sĩ cô đơn đối với bà Nguyễn Thị Thái. Bởi bà Thái là đối tượng chính sách được Đảng và Nhà nước ghi nhận, là người trực tiếp chịu nhiều hy sinh, mất mát do chồng hy sinh anh dũng khi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Hơn ai hết bà Thái rất cần được ưu tiên, quan tâm nhiều hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cả xã hội”, luật sư Lê Ngọc Hà bày tỏ quan điểm.

Về phần mình, bà Thái chia sẻ: “Tôi năm nay đã 74 tuổi, cả cuộc đời chưa một lần được làm mẹ theo đúng nghĩa. Chồng tôi hy sinh đã 50 năm, đến nay cũng chưa biết phần mộ ở đâu. Bao năm qua tôi vẫn dành dụm một phần số tiền trợ cấp để đi tìm mộ chồng. Với hoàn cảnh thực tế của tôi, việc cắt đi chế độ vợ liệt sĩ cô đơn làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và tư tưởng, khiến tôi gặp nhiều khó khăn hơn”.

Có thể nói, cho dù chúng ta có làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đến đâu thì cũng không thể bù đắp nổi những mất mát, hy sinh, thiệt thòi của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh ngoài mặt trận. Vì vậy, đề nghị Cục Người có công (Bộ LĐ-TB và XH), Sở LĐ-TB và XH tỉnh Bắc Giang xem xét lại quyết định điều chỉnh chế độ trợ cấp tiền tuất liệt sĩ đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Thái (vợ liệt sĩ Chu Văn Cương), tránh gây thiệt thòi cho thân nhân liệt sĩ.

ANH THƠ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/dieu-tra-qua-thu-ban-doc/item/39971202-tranh-cung-nhac-trong-dieu-chinh-che-do-vo-liet-si-co-don.html