Tranh cổ động Việt Nam: Mạch nguồn vẫn chảy…

Không gian trưng bày 'Sưu tập tranh cổ động' vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) khai trương đón công chúng.

Việc Bảo tàng mở rộng thêm một không gian trưng bày riêng cho dòng tranh cổ động cho thấy vị trí, vai trò quan trọng tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này, đồng thời giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về mỹ thuật Việt Nam.

Thể loại xung kích

Tranh cổ động là một thể loại quen thuộc của nghệ thuật đồ họa. Người đặt nền móng cho nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã vẽ một số tranh biếm họa lên án trực diện chính sách bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ). Những bức biếm họa được thực hiện bằng thủ pháp cường điệu, tập trung vào các hình ảnh tương phản đối lập đã gây chấn động lớn trong các nước thuộc địa.

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh với cơ quan ngôn luận là Báo Việt Nam độc lập. Cùng với các tờ báo cách mạng khác, Việt Nam độc lập đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của thể loại đồ họa tuyên truyền cách mạng, tạo tiền đề cho sự hình thành dòng tranh cổ động.

Một số bức tranh cổ động về Bác được Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu tới công chúng.

Một số bức tranh cổ động về Bác được Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu tới công chúng.

Trong nhiều minh họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tờ báo này, có một bức “Việt Nam độc lập thổi kèn hoa” rất độc đáo, đặc sắc. Người vẽ kết hợp các chữ Việt Nam độc lập thành một người đội nón, thổi kèn hoa kèm 4 câu thơ rất dễ hiểu kêu gọi mọi người đoàn kết cứu nước.

Xuất hiện ngay sau khi chính quyền cách mạng ra đời, tranh cổ động Việt Nam đã nhanh chóng trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ kịp thời công cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước... Nhìn lại lịch sử tranh cổ động, có thể thấy từ những họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến Khóa Mỹ thuật kháng chiến và các thế hệ sau phần nhiều đều tham gia sáng tác tranh cổ động.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), các họa sĩ vẽ tranh cổ động đã phát huy hữu hiệu chức năng tuyên truyền, thuyết phục quần chúng, động viên nhân dân chiến đấu giữ làng, giữ nước, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao ý chí vừa chống giặc ngoại xâm, vừa chống giặc đói, giặc dốt. Nổi bật nhất là tác phẩm tranh cổ động của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến...

Từ năm 1954 đến 1975, tranh cổ động Việt Nam tập trung vào các chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, chống chiến tranh phá hoại, các đề tài về công nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa góp phần cổ vũ khí thế cách mạng. Xác định trách nhiệm của mình, những họa sĩ đã không ngần ngại có mặt ở nhiều nơi, vẽ tranh tuyên truyền, cổ động chính trị, xã hội.

Năm 1966, Xưởng tranh cổ động trực thuộc Tổng cục Thông tin được thành lập đã tập hợp được nhiều họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động như Thục Phi, Trần Anh Vinh, Nguyễn Phương Liên, Minh Phương, Dương Ánh... Xưởng tranh cổ động đã tổ chức sáng tác, in ấn, phát hành tranh cổ động trên toàn miền Bắc kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến hồi tưởng: “Từ những ý chí quyết thắng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Xuân Hồng, “Thừa thắng xông lên” của Huỳnh Văn Gấm, “Kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Cao Trọng Thiềm, “Lên đường lập tiếp chiến công” của Nguyễn Tiến Cảnh... các tác phẩm được sáng tác trong mọi hoàn cảnh khác nhau từng tràn ngập trên đường phố Hà Nội trong những cuộc xuống đường rực lửa đấu tranh, tố cáo tội ác quân xâm lược.

Các thế hệ họa sĩ không tiếc công sức, thời gian xây dựng cụm pa-nô lớn ở quảng trường Nhà hát Lớn, ở nhà Bách hóa tổng hợp, nhà thông tin phố Đinh Tiên Hoàng, Vân Hồ và các công viên lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Những bước chuyển mới

Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tranh cổ động Việt Nam đã có tác dụng tích cực trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Bước sang giai đoạn 1975-1986, giai đoạn bản lề ghi nhận những chuyển biến lớn lao của đất nước khi hòa bình và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, tranh cổ động Việt Nam cũng có những bước chuyển mới.

Tác phẩm “Ơn Đảng, ơn Bác, người Mèo có chữ” của họa sĩ Quách Hùng.

Nhà phê bình mỹ thuật Đặng Thị Phong Lan nhận định: “Tranh cổ động thời kỳ này về nội dung và hình thức có nhiều thay đổi và sự sáng tạo phong phú. Điểm chung của tranh là không khí, tinh thần hân hoan, hồ hởi của đề tài, của màu sắc và cách thể hiện. Nhiều mảng đề tài sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi... với những khẩu hiệu gắn chặt với nhu cầu đất nước lúc bấy giờ. Bên cạnh đó là đề tài ca ngợi hình tượng Bác Hồ khá đa dạng trong mọi hoàn cảnh, khi đang làm việc, vui cùng nhân dân; đề tài về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ...”.

Bước sang thời kỳ đổi mới, dẫu không còn “huy hoàng” như thuở ban đầu nhưng không vì thế mà tranh cổ động mất đi giá trị. Tranh cổ động vẫn tiếp tục phát triển và lan tỏa đến các địa phương với lực lượng sáng tác từ cơ sở, làm tốt công tác cổ động trực quan các nhiệm vụ chính trị.

Thực tế cho thấy, nhiều năm gần đây Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Mỹ thuật Việt Nam vẫn thường xuyên duy trì các hoạt động sáng tác, triển lãm, in ấn và phát hành tranh cổ động trên toàn quốc trong các sự kiện thời sự, chính trị.

Nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác liên tục được tổ chức nhân kỷ niệm Quốc khánh (2-9), Ngày thành lập Đảng (3-2) và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của các Bộ, ngành.

Đơn cử như trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Cục Văn hóa cơ sở phát động từ tháng 10/2019, sau 6 tháng, ban tổ chức đã nhận được số lượng lớn tác phẩm của các họa sĩ chuyên và không chuyên trên khắp cả nước.

Điều đáng nói, trong số 16 tác phẩm xuất sắc được trao giải, họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Mỹ Dung (Hà Nam) đã giành cú đúp với 1 giải Nhất và 1 giải Nhì. Còn họa sĩ Lưu Yên Thế (Hà Nội) nay đã ở tuổi 73 và đang chống chọi với căn bệnh ung thư cũng có 2 tác phẩm đạt giải Ba.

Hay như trong cuộc vận động vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, chỉ 5 ngày sau khi Cục Văn hóa cơ sở phát động, đã có hơn 100 bức tranh cổ động của 23 họa sĩ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước gửi đến ban tổ chức. Họa sĩ Lưu Yên Thế chia sẻ: “Tranh cổ động là thể loại tranh tuyên truyền cổ vũ cho một vấn đề mà xã hội quan tâm. Đây là một hình thức trực quan, phát huy hiệu quả tác dụng trong lĩnh vực tuyên truyền”.

Cũng bởi nhận thức được vai trò của tranh cổ động trong công tác tuyên truyền nên dẫu tuổi cao lại đang mang trọng bệnh, họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn miệt mài sáng tạo và gửi tới ban tổ chức 2 tác phẩm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19”, “Đeo khẩu trang thường xuyên và đúng cách để phòng, chống dịch COVID-19”. Cả 2 tác phẩm của ông đều được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn để in ấn, phổ biến trên toàn quốc nhằm tiếp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Sự ra đời của những bức tranh cổ động với thông điệp đẩy lùi đại dịch COVID-19 một lần nữa cho thấy sức mạnh, vai trò của dòng tranh cổ động trong việc truyền tải thông tin đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Với mỗi họa sĩ, được góp sức với cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch này cũng là một niềm hạnh phúc.

Tiếp tục phát huy giá trị

Ngày nay, tranh cổ động vẫn được gìn giữ và trưng bày như những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Theo họa sĩ Thục Phi - nguyên Giám đốc Xưởng tranh cổ động Trung ương, không phải ngẫu nhiên mà dòng tranh này luôn được các nhà sưu tập trong và ngoài nước “săn lùng”.

Bởi lẽ cùng với giá trị nghệ thuật tất yếu, tranh cổ động còn mang một thông điệp khác vô cùng lớn lao. Đó là câu chuyện về lịch sử, về cuộc kháng chiến hào hùng bảo vệ đất nước của cả dân tộc Việt Nam; là lời lêu gọi, khuyến khích tinh thần lao động và yêu nước của người dân, cùng nhau phấn đấu vì một xã hội phát triển.

Một góc không gian trưng bày tranh cổ động tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Trong bộ sưu tập của các bảo tàng, nhất là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam..., tranh cổ động là một trong số những hiện vật khá phong phú, đa dạng. Năm 2014, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954”.

Ngắm những bức vẽ đã ngả màu thời gian, người xem như được trở lại một giai đoạn lịch sử hào hùng qua ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình. Dẫu chỉ là những bức tranh được in thủ công, trên đá, trên bản khắc gỗ hay trên đất, sử dụng giấy được làm bằng tre, nứa mà các chiến khu tự sản xuất... nhưng tranh cổ động thời kỳ này cũng đã cho thấy bước chuyển mình về quan điểm nghệ thuật của lớp nghệ sĩ kháng chiến. Điều này được thể hiện qua nội dung, đề tài thể hiện, phương pháp, kỹ thuật tạo hình và cách thức tiếp cận, chuyển tải tới công chúng.

Hơn 1 năm về trước, vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giới thiệu tới công chúng trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động (1969-2019).

60 tác phẩm được giới thiệu chỉ là một phần trong bộ sưu tập tranh cổ động của Bảo tàng nhưng phần nào khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi, là tấm gương cổ vũ lớn đối với các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Có bức tranh cổ động như lời khẳng định niềm tin vào con đường mà Bác đã chọn, thể hiện những tình cảm của đồng bào nhân dân dành cho Bác. Có bức vẽ minh họa cho lời động viên, khích lệ của Người. Không ít bức tranh cổ động được khơi nguồn cảm hứng từ những vần thơ về Bác...

Gần đây nhất, trong phòng trưng bày tranh cổ động vừa được khai trương tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 30 tác phẩm tiêu biểu sáng tác từ năm 1958 đến 1986 cũng đã gửi đến người xem thông điệp lịch sử hào hùng. Nhiều tác phẩm được giới thiệu không chỉ góp phần ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, những hoạt động tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống, mà còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này, qua đó cung cấp cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Thông qua việc khai trương một không gian trưng bày mới và xuất bản ấn phẩm về tranh cổ động, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mong muốn phát huy giá trị của loại hình tranh cổ động, đồng thời tri ân đến các thế hệ cán bộ đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản bộ sưu tập và đóng góp cho sự phát triển của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong 54 năm qua”.

Có thể nói, tranh cổ động là một thể loại đặc sắc độc đáo của mỹ thuật Việt Nam. Nhìn lại chặng đường của tranh cổ động cũng như những nỗ lực trong việc phát huy giá trị của dòng tranh này đã được các thế hệ họa sĩ tiếp nối, được các bảo tàng gìn giữ..., có thể thấy những tín hiệu vui cho sự phát triển của thể loại tranh này.

Hy vọng rằng với sự quan tâm, đầu tư đúng mức, với sự tiếp nối truyền thống của những họa sĩ trẻ, tâm huyết, giàu ý tưởng và sự sáng tạo... tranh cổ động Việt Nam sẽ được “hồi sinh”, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thủy Đặng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tranh-co-dong-viet-nam-mach-nguon-van-chay-601712/