Tranh chấp trọng tài có bắt buộc hòa giải?

Theo báo cáo tổng kết của Hội Trọng tài thương mại (TTTM), năm 2019 các tổ chức TTTM trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận gần 5.900 vụ việc.

Trong đó hơn 5.700 vụ việc đã có phán quyết trọng tài, 250 vụ việc được hòa giải thành và chỉ có bốn phán quyết trọng tài bị tòa án hủy.

Tòa án và TTTM đều là những hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại, dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, đảm bảo sự độc lập của người tài phán.

Tuy nhiên, việc hòa giải trong tố tụng trọng tài có phải là thủ tục bắt buộc như đối với thủ tục tố tụng tại tòa án?

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội TTTM TP.HCM, thủ tục hòa giải giữa cơ quan trọng tài và tòa án khác nhau. Cụ thể, đối với tòa án thì thủ tục hòa giải là bắt buộc. Tòa hòa giải trước phiên xử và thậm chí ngay tại phiên xử, tòa cũng hòa giải.

Tuy nhiên, đối với trọng tài thì thủ tục hòa giải là không bắt buộc, thể hiện ở Điều 9 và Điều 58 Luật TTTM. Nghĩa là quá trình giải quyết, Hội đồng trọng tài chỉ hòa giải khi các bên yêu cầu chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc của Hội đồng trọng tài.

TS Nguyễn Thị Kim Vinh, Chủ tịch Trung tâm TTTM tài chính (FCCA), cho rằng Luật TTTM trao quyền cho các bên tranh chấp quyết định việc có hòa giải hay không. Theo đó, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau.

Thủ tục về việc Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau cũng được quy định rõ. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các trọng tài viên.

Tiếp đó, Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

KIM PHỤNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/tranh-chap-trong-tai-co-bat-buoc-hoa-giai-877338.html