Tranh chấp trên biển bùng nổ ở Địa Trung Hải do các mỏ khí gas mới

Việc phát hiện trữ lượng khí gas mới ở phía đông Địa Trung Hải khiến các nước ven biển đối đầu căng thẳng, với các yêu sách chồng lấn trên vùng đặc quyền kinh tế của nhau.

Một phe đang hình thành là giữa Hy Lạp, Israel, Cộng hòa Síp và Ai Cập - các nước sẽ hưởng lợi từ các phát hiện mới. Phe kia là Thổ Nhĩ Kỳ - nền kinh tế lớn nhất ở phía đông Địa Trung Hải nhưng bị cô lập trong khu vực và ngày càng phải thể hiện sức mạnh quân sự, theo Wall Street Journal.

Các nhóm tàu hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã bám đuôi nhau ở vùng biển tranh chấp, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/7 tuyên bố một trong hai tàu thăm dò địa chất mới của nước này sẽ thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Rhodes của Hy Lạp. Kế hoạch thăm dò này có nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự, nhưng vừa bị tạm hoãn nhờ vào vận động ngoại giao của Đức.

Dù vậy, căng thẳng chỉ đang tạm lắng xuống, và cuộc chiến tài nguyên ở phía đông Địa Trung Hải chắc chắn còn leo thang, gây ra thách thức mới cho một khu vực vốn đã bất ổn của thế giới, theo Wall Street Journal.

Phát hiện nhiều mỏ khí, các bên cáo buộc nhau

“Chúng ta thấy Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng ngoại giao tàu chiến và quân sự hóa chính sách đối ngoại”, Ngoại trưởng Síp Nikos Christodoulides cho biết. “Đó là mưu tính kiểm soát khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi muốn mọi bên tham gia vào hợp tác khu vực, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang tự loại mình ra với cách cư xử của chính họ”.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thì lại phản bác lại rằng các yêu sách “bành trướng” của Hy Lạp và Síp trên biển đang làm căng thẳng tình hình. “Nếu bạn nhìn lên bản đồ, bạn thấy chúng tôi có đường bờ biển dài nhất ở đông Địa Trung Hải, và chúng tôi có thềm lục địa khổng lồ”, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói. “Hợp tác thực sự chỉ diễn ra khi có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong thập kỷ vừa qua, các mỏ khí tự nhiên lớn được phát hiện ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Israel, Síp và Ai Cập, biến khu vực thành nguồn năng lượng toàn cầu. Mới tháng trước, tập đoàn Chevron nói sẽ trả 5 tỷ USD cho Noble Energy, công ty Mỹ mà tài sản bao gồm cổ phần trong các mỏ khí gas ở ngoài khơi Israel và Síp.

Tính tổng cộng, các mỏ ở phía đông Địa Trung Hải được phát hiện kể từ 2009 có trữ lượng 1.982 tỷ m3 khí gas, đủ để nước Pháp tiêu thụ trong 50 năm. Trong tương lai gần, sẽ có thêm trữ lượng ngang như vậy được tìm ra, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie.

Các tuyên bố chồng lấn

Israel, Síp, Hy Lạp và Italy đang lên kế hoạch đường ống dẫn EastMed sẽ đưa khí gas đến cho khách hàng châu Âu, nhưng tuyên bố hàng hải gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ lại cắt qua đường ống dẫn này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Reccep Tayyip Erdogan đã nói EastMed sẽ không thể xúc tiến nếu không có sự đồng ý của ông.

 Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (giữa), Tổng thống Síp Nicos Anastasiadis (trái), và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ký thỏa thuận về đường ống dẫn khí dưới biển EastMed ở Athens vào tháng 1. Ảnh: AP.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (giữa), Tổng thống Síp Nicos Anastasiadis (trái), và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ký thỏa thuận về đường ống dẫn khí dưới biển EastMed ở Athens vào tháng 1. Ảnh: AP.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ có lập trường cứng rắn ở phía đông Địa Trung Hải có thể bắt nguồn từ chương trình Mavi Vatan (tạm dịch: Tổ quốc Xanh) do chuẩn đô đốc Cem Gurdeniz theo dân tộc chủ nghĩa đề ra năm 2006.

Tổng thống Erdogan, từng đi theo chính sách hòa hoãn “không vấn đề gì với các nước láng giềng”, giờ ngày càng đi theo quan điểm của ông Gurdeniz, vì ông Erdogan liên minh với phe dân tộc chủ nghĩa sau vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Sự cứng rắn đó được thể hiện năm 2018, khi chính quyền miền Bắc Síp (do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng) ra yêu sách về quyền khoan ở hầu như toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Síp, bao gồm cả biển phía nam của đảo Síp. (Cyprus bị chia đôi kể từ 1974, gồm miền Bắc do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và miền Nam là Cộng hòa Cyprus được quốc tế công nhận.) Tàu Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đuổi một tàu khoan của Italy được chính phủ Cyprus cấp phép.

Chưa hết, tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ làm các nước láng giềng bất ngờ khi ký thỏa thuận phân giới trên biển với Libya. Thỏa thuận này, do Thổ Nhĩ Kỳ ký với chính phủ thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Tripoli vốn đang trong cuộc nội chiến đẫm máu, chồng lấn lên khá nhiều trên vùng biển mà Hy Lạp nhận về mình.

Các yêu sách chồng lấn ở Địa Trung Hải. Đồ họa: Wall Street Journal.

Tranh cãi hòn đảo nhỏ của Hy Lạp

Khi vẽ bản đồ của mình, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lập luận các đảo của Hy Lạp không nên được hưởng EEZ rộng lớn như vậy, và từ chối công nhận đảo Kastellorizo của Hy Lạp, có dân số 500 người, nằm cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1,5 km.

“Không ai được bảo Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ 50.000 km2 chỉ vì một hòn đảo nhỏ? Đó là phần dành cho thế hệ tương lai chúng tôi. Như thế không được”, Chuẩn Đô đốc Gurdeniz, giờ đang điều hành một viện chính sách về biển ở Đại học Koc, Istanbul, nói với Wall Street Journal.

Mỹ và Liên minh châu Âu chưa công nhận yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi hiệp định phân giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya “không có ích và gây căng thẳng”. Càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận là việc Mỹ tuyên bố sẽ tập huấn quân sự chung với Síp để củng cố sự ổn định trong khu vực. Quốc hội Mỹ tháng 12/2019 chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí với Síp, được áp đặt từ năm 1987 dưới sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Định nghĩa về vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại công ước quốc tế về luật biển, địa lý cũng như nguyên tắc thông thường, vi phạm quyền chủ quyền của Hy Lạp và cản trở lợi ích của Hy Lạp theo cách mà không chính phủ nào của Hy Lạp có thể chấp nhận”, Thanos Dokos, phó cố vấn an ninh quốc gia của Hy Lạp, nói với Wall Street Journal. “Khả năng xung đột quân sự là có thật, và Hy Lạp hoàn toàn chuẩn bị”.

Tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ, lẽ ra sẽ thăm dò ngoài khơi Hy Lạp nhưng tạm hoãn. Ảnh: AP.

Thổ Nhĩ Kỳ hành xử đơn phương vì bị khu vực gạt ra rìa?

Theo Wall Street Journal, một yếu tố khiến Thổ Nhĩ Kỳ hành xử đơn phương là vì Thổ Nhĩ Kỳ không có đồng minh trong khu vực. Tổ chức đầu tiên về hợp tác phát triển năng lượng trong khu vực - Diễn đàn Khí gas Đông Địa Trung Hải - được lập ra vào năm ngoái, có Ai Cập, Israel, Síp, Hy Lạp, Jordan, Italy và chính quyền đang lãnh đạo Palestine.

Ngoài ra, Pháp cũng đang xin gia nhập. Pháp là nước đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, và vừa có một tàu hải quân đối đầu với ba tàu Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi Libya vào tháng 6.

“Có những sáng kiến cố gắng loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi kế hoạch năng lượng ở phía đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ không thể không làm gì. Đó là vì sao Thổ Nhĩ Kỳ có những kế hoạch ngoài khơi của riêng mình và chúng tôi quyết tâm thực hiện”, một quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Thổ Nhĩ Kỳ còn lập luận là đang can thiệp việc thăm dò khí gas của chính phủ Cyprus vì muốn bảo vệ lợi ích của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ cũng sinh sống trên đảo Cyprus, cho rằng họ cũng phải có phần.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề ra kế hoạch mới cạnh tranh với đường ống dẫn EastMed. Theo đó, nước này đề nghị nếu châu Âu muốn mua khí gas Israel để thay cho khí gas từ Nga, đường dễ nhất là đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Một tàu thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Về phần mình, Hy Lạp và Ai Cập, vốn đang ủng hộ phe chống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc nội chiến ở Libya, đang hoàn tất thỏa thuận phân giới của riêng mình, và sẽ chồng lấn với những yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.

Còn Israel, từng có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã xấu đi dưới thời Tổng thống Erdogan, từ lâu đã khẳng định Israel không cần sự đồng ý của Ankara để theo đuổi dự án đường ống EastMed.

“Một khi dự án này đi tiếp, không ai được phá hoại, đây là luật quốc tế”, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz nói trong một cuộc phỏng vấn. “Dù ranh giới vùng đặc quyền kinh tế có như thế nào, tàu thuyền nào, máy bay nào cũng được đi qua, và bất cứ đường ống dẫn nào cũng có thể được xây dựng trong EEZ của bất cứ nước nào”.

Ông Steinitz nói Israel mong muốn làm sâu sắc thêm liên minh với Hy Lạp và Síp, không có nghĩa là sẽ bị vướng vào xung đột quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng suy thoái kinh tế toàn cầu, và giá năng lượng giảm, đang khiến dự án đường ống EastMed, vốn đã phức tạp về mặt kỹ thuật, càng gặp trở ngại. “Đường ống này hiện giờ hoàn toàn là trên lý thuyết”, Angelos Syrigos, nghị sĩ của đảng cầm quyền ở Hy Lạp, cho biết.

“Cái mà Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ không phải là đường ống dẫn, mà là sự hợp tác giữa Hy Lạp, Síp và Israel”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-chap-tren-bien-bung-no-o-dia-trung-hai-do-cac-mo-khi-gas-moi-post1115453.html