Tranh chấp thương mại: Làm gì để doanh nghiệp hạn chế 'tổn thương'?

Chính phủ, bộ, ngành, địa phương sẽ bám sát cùng cộng đồng doanh nghiệp chủ động ứng phó vượt qua các thách thức tranh chấp thương mại.

Đây là một trong những nội dung Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời chất vấn của ĐBQH về việc Chính phủ sẽ có những giải pháp, chương trình, kế hoạch gì để định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp chủ động ứng phó, vượt qua những thách thức khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại Thế giới.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc sâu thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương do những biến động tiêu cực trên toàn cầu.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc sâu thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương do những biến động tiêu cực trên toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Thắng Hải, việc xử lý hài hòa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều bất định là không dễ dàng. Các nghiên cứu cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm. Nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, khi cuộc chiến này kéo dài cũng sẽ khiến làn sóng bảo hộ lan truyền sang các thị trường khác. Khi đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Quan trọng nhất là thách thức đối với duy trì cải cách sẽ lớn hơn nếu quá tập trung vào xử lý tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nói riêng và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nói chung. “Do đó, nếu chúng ta chậm trễ trong cải cách có thể ảnh hưởng động lực phát triển của doanh nghiệp cũng như khả năng bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Hải nói.

Ðồng quan điểm, PGS, TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, là đất nước có nền kinh tế với độ mở lớn, mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc sâu thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương do những biến động tiêu cực trên toàn cầu. Khi đó, nếu chúng ta “mải mê” với cơ hội ngắn hạn hay tư duy bảo hộ, có thể làm tổn hại tầm nhìn lâu dài cũng như cách ứng phó chiến lược với các thách thức và cơ hội mà tình thế đổi thay mang lại.

“Rõ ràng, những thách thức từ chuyển biến hiện nay trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới sẽ ngày càng gia tăng, tác động tất cả các nước, nhất là các quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam. Song chúng ta cũng đang có những vận hội mới không hề nhỏ để tiếp tục hội nhập, phát triển đất nước”, ông Khương bày tỏ.

Vẫn theo Thứ trưởng Ðỗ Thắng Hải, những xu thế mới về thương mại sẽ còn tiếp diễn, ít nhất trong trung hạn. Do đó, để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam cần liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản chi tiết để ứng phó biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của các nền kinh tế chủ chốt.

Bên cạnh đó, phải chủ động rà soát lại những quy định chính sách trong nước, bảo đảm có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hóa xuất, nhập khẩu, ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới. Mặt khác, khuyến khích, kêu gọi tinh thần chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu diễn biến những xu thế thương mại mới cũng như cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó xác định yêu cầu điều chỉnh chiến lược sản xuất - kinh doanh, nhất là chú trọng tới việc chuyển đổi, cập nhật công nghệ mới.

Cuối cùng, cần tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xử lý các vấn đề liên ngành và hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ, quyết tâm hội nhập của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chính là yếu tố mang tính chất quyết định để hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới theo đúng tinh thần: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tranh-chap-thuong-mai-lam-gi-de-doanh-nghiep-han-che-ton-thuong-158413.html