Tranh chấp thành viên tại Eximbank: Tòa vẫn quyết 'tạm dừng' thực hiện Nghị quyết của HĐQT

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, TAND TP Hồ Chí Minh đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết của HĐQT Eximbank về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc cho đến khi giải quyết xong vụ án

Nhưng trước một số diễn biến mới đây, ông Quốc cho rằng, đang có một cá nhân muốn “qua mặt” Tòa nhằm “vô hiệu hóa” quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên.

Bao giờ tranh chấp thành viên tại Eximbank chấm dứt? (Ảnh minh họa)

Bao giờ tranh chấp thành viên tại Eximbank chấm dứt? (Ảnh minh họa)

Tòa không chấp nhận khiếu nại của Eximbank

Ngày 22/3/2019, HĐQT Eximbank có Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT (NQ 112/2019) về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc. Ngay sau đó, HĐQT đã bầu bà Lương Thị Cẩm Tú (thành viên HĐQT) giữ chức Chủ tịch HĐQT, thay cho ông Lê Minh Quốc.

Cho rằng việc làm này của HĐQT Eximbank là vi phạm pháp luật, ngay trong ngày 22/3/2019, ông Lê Minh Quốc đã có đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT gửi TAND TP Hồ Chí Minh, đề nghị: “Cấm thực hiện NQ 112 của Ngân hàng Eximbank”.

Đồng thời, ông Quốc cũng có đơn khởi kiện vụ án dân sự “tranh chấp thành viên công ty” đối với 7 thành viên HĐQT của Ngân hàng, gồm bà Lương Thị Cẩm Tú và các ông Đặng Mai Anh; Lê Văn Quyết; Cao Xuân Ninh; Hoàng Tuấn Khải; Yasuhiro Saitoh; Yutaka Moriwaki.

Vụ án đã được TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý ngày 26/3/2019. Một ngày sau (27/3/2019), TAND TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT, nêu rõ: Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan đến việc yêu cầu áp dụng BPKCTT, xét thấy việc áp dụng BPKCTT “Buộc thực hiện hành vi nhất định” là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án và thi hành án, TAND TP Hồ Chí Minh quyết định: Áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, buộc các đồng bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện NQ 112/2019 của Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Tại Quyết định này, TAND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự”.

Ngày 28 - 29/3/2019, Eximbank (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đã lần lượt có đơn khiếu nại và đơn khiếu nại bổ sung, yêu cầu Tòa án hủy Quyết định áp dụng BPKCTT số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019.

Nhưng ngày 18/4/2019, TAND TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 262/2019/QĐGQKN “không chấp nhận khiếu nại” nêu trên, đồng thời nêu rõ: “...xét thấy yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh Quốc đang được Tòa án xem xét, giải quyết. Việc thực hiện NQ 112/2019 của HĐQT Eximbank khi chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện này có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hoặc những người liên quan khác.

Do đó, việc Tòa án chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT của ông Lê Minh Quốc và ban hành Quyết định áp dụng BPKCTT số 92/2019/QĐ-BPKCTT là có căn cứ, đúng pháp luật. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, nếu phát sinh các căn cứ cần thiết phải thay đổi, hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT nêu trên, các đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xem xét, thay đổi, hủy bỏ quyết định này theo quy định của pháp luật.

Nếu có căn cứ để cho rằng, yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường theo quy định pháp luật.

Quyết định của Tòa liệu có bị “qua mặt”?

Nhận xét về động thái trên đây, một số luật sư cũng cho rằng, việc TAND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định áp dụng BPKCTT, cũng như bác khiếu nại của Eximbank là hoàn toàn cần thiết, khách quan, đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của các đương sự và hoạt động ổn định của chính ngân hàng.

Tuy đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa như trên (giải quyết khiếu nại cuối cùng) nhưng trong một khoảng thời gian ngắn sau đó, các thành viên HĐQT Eximbank vẫn liên tục đề nghị triệu tập các cuộc họp HĐQT với mục đích chính nhằm miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc.

Gần đây nhất, vào ngày 6/5/2019, HĐQT Eximbank gồm 6 thành viên (ông Đặng Mai Anh; Hoàng Tuấn Khải; Lê Văn Quyết; Cao Xuân Ninh; Yutaka Moriwaki và bà Lương Thị Cẩm Tú) đã cho tiến hành cuộc họp HĐQT. Tuy nhiên, do số thành viên HĐQT không đủ ¾ số thành viên HĐQT trở lên (theo Điều lệ của Eximbank) nên cuộc họp không tiến hành được.

Theo ông Quốc thì không hiểu sao, dù đã có Quyết định của Tòa án về việc tạm dừng thực hiện Nghị quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhưng một số thành viên của HĐQT vẫn đang “loay hoay” tìm cách “vô hiệu hóa” quyết định của Tòa? Phải chăng những việc làm trên là nhằm thâu tóm Eximbank về tay một vài cá nhân, hoặc muốn làm phức tạp thêm tình hình?

Trong một diễn biến khác, ngày 2/5/2019, 3 bị đơn trong vụ án là ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú đã có đơn đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh áp dụng BPKCTT “cấm xuất cảnh đối với ông Lê Minh Quốc cho đến khi quyết định áp dụng BPKCTT theo Quyết định số 92/2019 ngày 27/3/2019 của TAND TP được bãi bỏ và giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định khác của Tòa án”.

Tuy nhiên, TAND TP Hồ Chí Minh xét thấy việc không cấm xuất cảnh đối với ông Quốc cũng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm thi hành án. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh với ông Quốc là không cần thiết.

Cần làm rõ việc Chủ tịch HĐQT bị “bêu” số điện thoại cá nhân

Trong những ngày gần đây, một số khách hàng có sử dụng dịch vụ của Eximbank đã bất ngờ nhận được tin nhắn nhắc nợ từ Eximbank với lời lẽ rất bất nhã, đồng thời đề nghị liên hệ với số điện thoại di động của cá nhân ông Quốc để trả tiền.

Đây là sự việc bất thường bởi số điện thoại cá nhân của ông Quốc không bao giờ được dùng để khách hàng trao đổi nợ với ngân hàng. Trước việc bị “bêu” số điện thoại với khách hàng như trên, ông Quốc đã đề nghị cơ quan chức năng làm rõ ai là người tạo dựng những tin nhắn trên và động cơ của việc làm này là gì?

K. Lâm

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tranh-chap-thanh-vien-tai-eximbank-toa-van-quyet-tam-dung-thuc-hien-nghi-quyet-cua-hdqt-d97371.html