Tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam: Sẽ gặp nhau tại tòa

Sau những khuyến cáo từ hai phía Công ty Minh Khang - Công ty Sen Vàng về việc tên gọi trùng lặp Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, đại diện Minh Khang khẳng định không 'chờ đợi' và sẽ 'kiện ra tòa'.

Những ngày qua, lùm xùm tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa Công ty Sen Vàng và Công ty Minh Khang gây sự chú ý của dư luận. Đây là sự việc hy hữu chưa từng xảy ra - sau khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn phân việc cấp phép các hoạt động biểu diễn về địa phương.

Bà Thanh Thùy.

Sau khi Công ty Minh Khang công bố hai kết luận giám định: NH268 – 22YC/KLGĐ và NH275 – 22YC/KLGĐ ngày 20/06/2022 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ khẳng định "Công ty Sen Vàng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Minh Khang", phía Sen Vàng phản hồi lại trên báo chí rằng kết luận này là: "Không chính xác, khách quan và không thể hiện đúng bản chất của sự việc gây nên những cách hiểu chưa đúng. Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ không phải là kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không có giá trị kết luận hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ".

Phía Minh Khang khẳng định: Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2007 theo Quyết định số 846/QĐBKHCN ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ có chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ ban hành kèm theo Quyết định số 1879/QĐ-BKHCN ngày 03/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó: Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, huấn luyện, giám định, tư vấn và định giá trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ là: Giám định về sở hữu trí tuệ: xây dựng các công cụ (thông tin, tra cứu, chương trình) phục vụ giám định sở hữu trí tuệ; tiếp nhận và thực hiện giám định sở hữu trí tuệ.

"Chính vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì: Căn cứ vào Khoản 1 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) có thể khẳng định hiện tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ chính là cơ quan (tổ chức) duy nhất tại Việt Nam có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 51 Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP có thể khẳng định: “Văn bản kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc”. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp trên cơ sở nguồn chứng cứ quan trọng này theo yêu cầu xử lý xâm phạm quyền của Chủ sở hữu quyền, trong trường hợp này Chủ sở hữu quyền là Công ty Minh Khang", bà Nguyễn Thị Thanh Thùy - Giám đốc Công ty Minh Khang cho biết.

Bà Thanh Thùy cho hay, trên thực tế hiện nay chưa từng có một cuộc thi sắc đẹp chính thức nào mang tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép tổ chức và sử dụng, thừa nhận rộng rãi tại Việt Nam trước ngày 4/14/2020.

"Để xác thực và khẳng định thông tin nêu trên chúng tôi đã yêu cầu Viện Kinh tế tài chính trực thuộc Học viện Tài chính – Bộ Tài chính có cuộc tra cứu mở rộng từ các thông tin của Bộ Tài chính, cũng như dữ liệu đang lưu trữ tại Bộ Tài chính. Theo đó, Viện Kinh tế tài chính đã có Công văn số 39-01/VKTTC-TTGC-CVNH đề ngày 22/06/2022 nêu rõ: “Không thấy có bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam được sử dụng cho cuộc thi sắc đẹp chính thức nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép tổ chức và sử dụng, thừa nhận rộng rãi tại Việt Nam trước ngày 4/12/2020.

Với nguồn tham khảo này, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để khẳng định việc Công ty Sen Vàng cho rằng cụm từ “Miss Grand International” có nghĩa là “Hoa hậu Hòa bình quốc tế” là hoàn toàn mang tính chất tự tuyên bố, không có sự sử dụng, thừa nhận rộng rãi tại Việt Nam, đồng thời không có từ điển chính thức đáng tin cậy nào ghi nhận việc dịch nghĩa nêu trên", bà Thùy nói.

Bà Thanh Thùy khẳng định, Minh Khang trước nay vẫn trên tinh thần thượng tôn pháp luật và trên tiêu chí hòa bình để giải quyết mọi công việc. Chính vì thế phía Minh Khang đã gửi công văn khuyến cáo xâm phạm cho Sen Vàng. "Nhưng đến hiện tại, chúng tôi cũng không chờ đợi thêm nữa, chúng tôi sẽ làm đơn khởi kiện Sen Vàng", bà Thanh Thùy nói.

Cũng theo phía BTC Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, sự việc ồn ào này ít nhiều ảnh hưởng đến các thí sinh. Tuy nhiên, do tiêu chí của cuộc thi khắt khe, đặc biệt là về vấn đề thẩm mỹ cũng như ưu tiên tìm ra những gương mặt mới, những thí sinh thực sự chất lượng nên đã phối hợp với nhiều trường đại học để lọc hồ sơ. Hiện Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đã nhận 280-300 hồ sơ dự thi và không chủ trương nhận ồ ạt. Thí sinh tham gia cuộc thi cũng không có phần trình diễn bikini.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tranh-chap-ten-goi-hoa-hau-hoa-binh-viet-nam-se-gap-nhau-tai-toa-2034779.html