Tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật: Vẫn bế tắc

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông vừa diễn ra tại Vladivostock của Nga được đánh giá là khá 'khiêm tốn' khi hai bên dường như không đạt được kết quả cụ thể nào ngoài việc thừa nhận đã thực hiện được một số thỏa thuận hợp tác song phương.

Vấn đề lãnh thổ đúng như dự đoán vẫn “giậm chân tại chỗ”. Sự thiện chí của cả hai bên chưa đủ để phá vỡ thế bế tắc vốn được coi là “thâm căn cố đế” liên quan đến chủ quyền đối với 4 hòn đảo ngoài khơi Hokkaido mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, cũng là vùng lãnh thổ Nga đã chiếm giữ vào những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh thế giới II.

Mặc dù thừa nhận quan hệ Nhật Bản - Nga phát triển ổn định và năng động, song cuộc gặp lần thứ 27 kéo dài 75 phút giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã kết thúc mà không đạt được bất kì đột phá nào. Thủ tướng Abe đã hối thúc Tổng thống Putin tăng cường các nỗ lực giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước và ký hiệp ước hòa bình kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước.

Ông nói: “Chúng ta có trách nhiệm mang tính lịch sử là ký kết hiệp ước hòa bình. Hãy hoàn thành trách nhiệm của chúng ta với lịch sử. Hãy ký kết một hiệp ước hòa bình và giải phóng tiềm năng không giới hạn của người dân hai nước”.

Tuy nhiên, việc Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin chỉ đạo cho các ngoại trưởng hai nước, những người có mặt tại cuộc gặp thượng đỉnh này, phải tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận cho cả hai phía, nhất trí tổ chức một cuộc gặp khác bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC), dự kiến sẽ diễn ra ở Chile từ ngày 16 đến 17-11, chỉ được xem là một cam kết mang tính biểu tượng.

Giới phân tích cho rằng giữa hai nước rõ ràng thiếu sự tương hỗ. Kể từ năm 2016, Thủ tướng Abe đã không biết mệt mỏi khi tiến hành các cuộc tiếp xúc với Nga, yêu cầu Moscow trả lại cho Nhật cả 4 hòn đảo ngoài khơi Hokkaido. Thế nhưng, Nga dường như vẫn tỏ thái độ cứng rắn, thậm chí không tiến hành các cuộc đàm phán trên cơ sở tuyên bố chung năm 1956 rằng Moscow sẽ trả lại 2 hòn đảo nhỏ hơn - nhóm đảo Shikotan và Habomai - sau khi một hiệp ước hòa bình được ký kết. Ông cũng không coi quần đảo bao gồm cả đảo Etorofu và Kunashiri là “lãnh thổ cố hữu” của Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Moscow đã đổ lỗi cho liên minh an ninh Nhật - Mỹ về tình trạng bế tắc này. Moscow cho rằng việc chuyển giao bất kỳ hòn đảo nào cho Nhật Bản sẽ dẫn đến sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đó và Nga không tin các kế hoạch của Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore do Mỹ sản xuất là để chống lại mối đe dọa Triều Tiên.

Ông Putin cũng bày tỏ lo ngại về an ninh quốc gia của Nga do bình luận của Washington hồi tháng trước rằng Mỹ ủng hộ việc triển khai tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung Mỹ-Nga. Hiệp ước này cấm triển khai các tên lửa trên mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Theo đánh giá của tiến sĩ Nobuo Shimotomai, chuyên gia nghiên cứu về Nga thuộc Đại học Kanagawa, bất kỳ kết quả tích cực nào đối với tình trạng bế tắc Nhật - Nga cũng sẽ tùy thuộc vào việc mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump được cải thiện như thế nào. Ông Abe mới đây đã đồng ý với đề xuất của ông Trump mời Nga trở lại Nhóm G7. Động thái gây lo lắng thêm cho Nhật Bản là Nga đã trở nên quyết đoán hơn đối với các hòn đảo tranh chấp.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tháng trước đã đến thăm đảo Etorofu và trong thời gian diễn ra Diễn đàn kinh tế phương Đông tại Vladivostock, thông qua kết nối cầu truyền hình, ông Putin đã chủ trì việc mở một nhà máy chế biến cá trên đảo Shikotan. Nhật Bản đã phản đối những hành động này. Theo đánh giá của ông James Brown, việc thực hiện những hành động này vào thời điểm nhà lãnh đạo Nhật Bản đang ở Nga là một sự “xúc phạm” về mặt ngoại giao.

Nhật Bản và Nga đang nỗ lực đi tới một khuôn khổ cho “các hoạt động kinh tế chung” trên các hòn đảo tranh chấp. Tuy nhiên, Nga khẳng định rằng các dự án phải được thực hiện phù hợp với luật pháp nước này, khi Nhật Bản mong muốn một khuôn khổ pháp lý không làm xói mòn những đòi hỏi lãnh thổ của hai bên.

Trong khi một số chuyên gia tin rằng ông Abe sẽ có xu hướng tiếp tục chính sách cũ và kéo dài câu chuyện hoang đường là sắp đạt được bước đột phá trong tranh chấp lãnh thổ này, các chuyên gia khác cho rằng ông Putin sẽ có thái độ “diều hâu” hơn trong chính sách đối ngoại khi tỷ lệ ủng hộ ông giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Nga có dấu hiệu suy giảm.

Nếu Tổng thống Putin không đàm phán được với Thủ tướng Abe, triển vọng của cuộc tranh chấp lãnh thổ này sẽ trở nên mờ mịt vì sẽ không có vị Thủ tướng Nhật Bản nào nữa trong tương lai có thể dành nhiều nỗ lực đến vậy để giải quyết vấn đề này.

Mặc dù 74 năm đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc nhưng Nhật Bản và Nga vẫn chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh. Giới phân tích nhận định tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật Bản sẽ là vấn đề muôn thuở khi việc từ bỏ chủ quyền dù chỉ một phần nhỏ lãnh thổ là việc rất hiếm hoi đối với mọi quốc gia, với Nga chắc chắn nó còn đặc biệt khó hơn.

Quang Nguyễn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/tranh-chap-lanh-tho-nga-nhat-van-be-tac-561466/