Tranh chấp đầu tư quốc tế: Vì sao Chính phủ Nigeria phải bồi thường 6,6 tỷ USD?

Như Báo PLVN đã thông tin, thực trạng tranh chấp đầu tư quốc tế cho thấy việc giải quyết tranh chấp có thể kéo dài nhiều năm, tốn kém nhiều tiền của và công sức. Câu chuyện của Chính phủ Nigeria (FGN) phải bồi thường 6,6 tỷ USD trong một vụ kiện tranh chấp khí đốt là một ví dụ.

Tính đến nay, số tiền mà Chính phủ Nigeria phải bồi thường lên đến 9,6 tỷ USD và con số này còn tăng cao cho đến thởi điểm thanh toán do lãi suất mỗi ngày là 1,3 triệu USD

Tính đến nay, số tiền mà Chính phủ Nigeria phải bồi thường lên đến 9,6 tỷ USD và con số này còn tăng cao cho đến thởi điểm thanh toán do lãi suất mỗi ngày là 1,3 triệu USD

Tranh chấp đầu tư quốc tế - không đùa với đống lửa âm ỉ cháy: Kỳ III

Mặc dù chưa hề bỏ vốn thực hiện Dự án đầu tư tại Nigeria, P&ID được hội đồng trọng tài phán quyết yêu cầu Chính phủ Nigeria (FGN) phải bồi thường 6,6 tỷ USD trong một vụ kiện tranh chấp đầu tư (tại thời điểm ban hành phán quyết năm 2017) và tính đến nay, số tiền bồi thường lên đến 9,6 tỷ USD và con số này còn tăng cao cho đến thởi điểm thanh toán (lãi suất mỗi ngày là 1,3 triệu USD). Con số 9,6 tỷ USD này bằng khoảng 20% dự trự ngoại hối của Nigeria, 1/3 tổng ngân sách nhà nước của Nước này năm 2019, và 2.5% tổng GDP, hơn 50% những gì nước này thu được từ dầu thô năm 2018.

Thỏa thuận đổ bể khi chưa có nhà máy nào được xây dựng!

Tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng cung cấp và chế biến khí năm 2010 (GSPA) giữa FGN và P&ID, trong đó thỏa thuận rằng FGN sẽ xây đường ống dẫn khí đến nhà máy chế biến khí ở Calabar, phía đông Nigeria.

Nhà máy này do P&ID xây miễn phí, sau đó sẽ lọc khí tự nhiên (cũng miễn phí) cho nhà nước. Để đổi lại, P&ID sẽ được phép bán 15% lượng khí prôpan, ethane và butane là sản phẩm phụ từ lọc khí, và số còn lại 85% trả lại cho FGN để sử dụng cho nhà máy phát điện cho phần lớn vùng phía đông Nigeria.

P&ID hy vọng thỏa thuận này có thể tạo ra khoảng 5-6 tỷ USD lợi nhuận trong khoảng thời gian 20 năm, đó chính là cách hội đồng trọng tài xác định giá trị thiệt hại trong phán quyết.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đổ bể năm 2012 mà không hề có đoạn ống hay nhà máy xử lý nào được xây dựng. P&ID kiện rằng FGN đã không cung cấp các hạ tầng cần thiết để họ có thể thực hiện được các cam kết theo hợp đồng, trong khi FGN cho rằng P&ID đã không xây dựng nhà máy xử lý khí và do đó vi phạm nghiêm trọng GSPA.

Tháng 8/2012, tranh chấp được đưa ra trọng tài theo điều khoản trọng tài của GSPA, mặc dù FGN cho rằng hội đồng trọng tài không có thẩm quyền đối với hợp đồng, FGN đã không nộp cho hội đồng trọng tài bất cứ tài liệu hay chứng cứ chuyên gia nào về điểm này, và vấn đề này bị hội đồng trọng tài bác ngay từ đầu và cho rằng mình có thẩm quyền và bác phần đệ trình của FGN về việc P&ID thực hiện hoạt động kinh doanh bất hợp pháp ở Nigeria.

Phán quyết của hội đồng trọng tài khiến cả thế giới phải... giật mình!

Về vấn đề trách nhiệm pháp lý, hội đồng trọng tài bác các lập luận của FGN rằng Bộ Tài nguyên dầu khí đã thực hiện vượt quá thẩm quyền của mình khi ký GSPA, hoặc nghĩa vụ của FGN đã bị bên thứ ba là chủ sở hữu mỏ khí vô hiệu hóa, hoặc do việc P&ID không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng nhà máy xử lý. Hội đồng trọng tài cho rằng FGN đã không thực hiện nghĩa vụ của mình theo GSPA, và rằng P&ID có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại do sự vi phạm đó.

Vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm trong vụ kiện này không gây ra quá nhiều tranh cãi, nhưng phán quyết về thiệt hại đã khiến thế giới phải giật mình và chú ý đến.

Hội đồng trọng tài bác lập luận của FGN rằng do P&ID chưa thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào của mình theo hợp đồng, thiệt hại của P&ID đối với việc mất đi giá trị lợi nhuận từ việc bán khí trong 20 năm không “tự nhiên chảy ra” từ việc vi phạm GSPA.

Hội đồng trọng tài không hề xem xét phương pháp kiểm chứng đúng giá trị thiệt hại đặt ra vấn đề là liệu P&ID có thực hiện nghĩa vụ của mình không. Hội đồng trọng tài làm rõ rằng một khi FGN đã vi phạm hợp đồng, nghĩa vụ của P&ID về cơ bản kết thúc.

Do vậy, khi tính toán thiệt hại, Hội đồng trọng tài tính trên cơ sở tình trạng mà P&ID có được nếu hợp đồng được thực hiện. Hội đồng trọng tài cũng cho rằng quan điểm của họ có thể thay đổi nếu FGN viện dẫn được các bằng chứng chứng minh rằng P&ID không thể thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ của mình trong bất cứ trường hợp nào, nhưng FGN trên thực tế đã không viện dẫn được bất cứ chứng cứ nào để chứng minh việc này.

Sau chứng cứ do chuyên gia của P&ID đưa ra, hội đồng trọng tài quyết định rằng việc tính toán thiệt hại sẽ là giá trị ròng hiện tại của lợi nhuận mà P&ID đáng ra có được từ GSPA, tổng số là 6,597 tỷ USD. Hội đồng trọng tài cũng yêu cầu FGN phải thanh toán số tiền lãi là 7% giá trị phán quyết cho đến thời điểm thanh toán.

Chính phủ Nigeria đã quyết định kháng cáo quyết định của tòa án Anh yêu cầu họ trả khoản bảo lãnh 200 triệu đô la trong vụ tranh chấp khí đốt trị giá 9,6 tỷ đô la, theo tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Abubakar Malami (ảnh)

Theo AFP, vào tháng 8/2019, một tòa án của Anh đã ủy quyền cho P&ID thu giữ hơn 9 tỷ đô la tài sản mà chính phủ Nigeria gửi ở Anh.

Nigeria đã kháng cáo quyết định này vào cuối tháng 9 và đạt được chấp thuận cho tạm dừng thi hành án với điều kiện cung cấp khoản bảo lãnh 200 triệu đô la trong vòng 60 ngày.

"Chúng tôi đã kháng cáo quyết định mới nhất yêu cầu chính phủ Nigeria trả tiền bảo lãnh”, Bộ trưởng Tư pháp Abubakar Malami cho biết, khi thời hạn nộp tiền bảo lãnh sắp hết.

Cơ quan tư pháp Nigeria cũng đã cố gắng phản công vào tháng 9/2019, khi ra lệnh tịch thu tài sản của công ty P&ID vì cho rằng hợp đồng ký vào năm 2010 có gian lận.

Cáo buộc của Nigeria đã bị công ty P&ID bác bỏ, đồng thời tố cáo ngược lại rằng chính phủ Nigeria làm như vậy là "nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những lỗi của chính phủ Nigeria trong hợp đồng".

Đón đọc kỳ tiếp: Chuỗi các vụ Yukos kiện Liên bang Nga: đằng sau phán quyết 50 tỷ USD

Hồng Thúy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/tranh-chap-dau-tu-quoc-te-vi-sao-chinh-phu-nigeria-phai-boi-thuong-66-ty-usd-491207.html