Tranh chấp đất qua nhiều thế hệ

Báo An Giang nhận được đơn của bà Lê Thị Thu Cúc (ngụ ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng, Châu Thành), phản ánh vụ tranh chấp đất giữa bà với một số hộ dân nhưng 45 năm nay chưa đến hồi kết.

Theo bà Cúc, trước khi qua đời, ông bà nội để lại 5,28 công đất thổ cư (địa bộ số 73, lô 21, tờ số 2, đất tọa lạc tại ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng) cho cha và chú của bà sử dụng. Thời điểm thực dân Pháp khủng bố, gia đình bà sơ tán vào bưng biền lánh nạn và tham gia kháng chiến, phần đất trên đã bị ông Nguyễn Văn Trợm cùng 3 người con (Nguyễn Hữu Linh, Nguyễn Hữu Ngoạn và Nguyễn Hữu Sương) chiếm đoạt sử dụng. Sau đó, họ cho mấy chục hộ dân khác thuê cất nhà ở.

“Đình chiến không lâu, gia đình tôi trở về đòi đất, đồng thời yêu cầu tòa án chế độ Sài Gòn xem xét giải quyết. Năm 1974, tòa án xét xử, buộc ông Nguyễn Hữu Ngoạn, Nguyễn Hữu Linh, Nguyễn Hữu Sương dỡ nhà, trả đất cho gia đình tôi, nhưng họ không thực hiện trả theo án lệnh. Sau giải phóng, gia đình tôi nhiều lần gửi đơn đến UBND huyện Châu Thành, yêu cầu giải quyết vụ việc, buộc những hộ chiếm đất của gia đình tôi phải trả lại đất. Thời gian trôi qua, vẫn không thấy cấp thẩm quyền xem xét giải quyết. Năm 1986, gia đình tôi tiếp tục khiếu nại. Năm 1994, UBND huyện Châu Thành ra quyết định giải quyết giữ nguyên hiện trạng cho các hộ sử dụng, bác yêu cầu khiếu nại của gia đình tôi. Quyết định cho rằng bà nội tôi (Lê Thị Liễu) đã cầm cố là không có cơ sở. Hơn nữa, bà nội tôi tên Phạm Thị Kiểm, chứ tôi không biết ai tên Liễu. Chúng tôi khiếu nại về tỉnh. UBND tỉnh ký quyết định chuẩn y quyết định của huyện, bác đơn khiếu nại của gia đình tôi. Chúng tôi liên tục khiếu nại đến nay, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết. Rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm xem xét, đem lại công bằng và quyền lợi chính đáng cho gia đình tôi; buộc những hộ sử dụng đất phải trả đất hoặc bồi thường tiền theo giá trị hiện hành” - bà Cúc mong mỏi.

Bà Cúc trình bày vụ việc

Được biết, vụ tranh chấp đòi lại đất hoặc trả thành quả lao động của bà Lê Thị Thu Cúc đã được UBND huyện, tỉnh giải quyết dứt điểm từ năm 1998. Thực tế, nguồn gốc đất là của ông Lê Văn Bộn (ông nội bà Cúc) đứng bộ số 73, lô 21, diện tích 5.280m2. Năm 1939, bà Lê Thị Liễu (vợ ông Bộn) cầm cố cho ông Nguyễn Văn Trợm toàn bộ số đất trên. Năm 1974, ông Lê Quang Thể (con ông Bộn) khiếu nại đòi đất. Tòa án giải quyết chưa xong thì đến ngày giải phóng. Hiện nay, đất do các con ông Trợm cất nhà ở, đồng thời cho hơn 20 hộ dân khác cất nhà ở (từ trước giải phóng đến nay). Năm 1993, vợ và con ông Thể khiếu nại đòi lại đất. Ngày 23-3-1994, UBND huyện Châu Thành bác đơn khiếu nại đòi lại đất của bà Lê Thị Nhàn, Lê Văn Nhị (vợ và con ông Thể); giữ nguyên hiện trạng cho gia đình ông Nguyễn Hữu Ngoạn, Nguyễn Hữu Linh và Nguyễn Hữu Sương (con ông Trợm) cùng các hộ dân tiếp tục sử dụng. Bà Nhàn, ông Nhị khiếu nại về tỉnh. Ngày 17-11-1998, UBND tỉnh chuẩn y quyết định của UBND huyện Châu Thành. Tại Công văn số 54 ngày 20-4-1999, UBND tỉnh đã trả lời rõ đến bà Nhàn và ông Nhị rằng: đây là đất đã cố từ lâu đời, các hộ hiện nay đã cư ngụ ổn định trong thời gian dài. UBND huyện, tỉnh đã bác yêu cầu khiếu nại, đồng thời giữ nguyên hiện trạng đất cho gia đình ông Ngoạn, ông Linh, ông Sương và các hộ dân tiếp tục được sử dụng là đúng quy định của pháp luật. Đến năm 2016, bà Lê Thị Thu Cúc (cháu ông Thể) tiếp tục gửi đơn khiếu nại.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Châu Thành tại Công văn số 1957/VP-NC ngày 31-8-2016 về việc xử lý đơn của bà Lê Thị Thu Cúc, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành mời bà Cúc để ghi nhận ý kiến khiếu nại. Qua trao đổi, bà Cúc trình bày phù hợp nội dung đơn đã gửi. Sau khi trao đổi, phòng phối hợp Văn phòng Đăng ký đất đai Châu Thành tiến hành rà soát lại thông tin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ sử dụng đất do bà Cúc cung cấp theo đơn khiếu nại ngày 8-9-2016. Theo kết quả rà soát, hiện nay, đa số những hộ dân này sinh sống lâu đời trên đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, nội dung khiếu nại của bà Cúc là tranh chấp đất đai và đòi bồi hoàn thành quả lao động. Căn cứ Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 (quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai), vụ tranh chấp đất đai của bà Cúc không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Châu Thành, mà thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bà Cúc: nếu phát sinh tranh chấp đòi lại đất và thành quả lao động thì làm đơn kèm những giấy tờ có liên quan gửi đến tòa án để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền (UBND huyện đã có phiếu trả lời cho bà Cúc được biết từ ngày 6-10-2016).

Bài, ảnh: K.N

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tranh-chap-dat-qua-nhieu-the-he-a241979.html