Tranh chấp đất chậm giải quyết vì sao?

Bạn đọc ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên thắc mắc về việc một hộ gia đình lấn chiếm mảnh đất thuộc sở hữu của Nhà nước đã giao cho tổ chức thuê, sử dụng nhưng không được giải quyết dứt điểm khiến nhiều người bất bình. Sự chậm trễ làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật, gây nhiều thiệt hại cho tổ chức thuê, sử dụng đất và tạo một tiền lệ xấu cho những hành vi vi phạm pháp luật tương tự.

Bạn đọc ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên thắc mắc về việc một hộ gia đình lấn chiếm mảnh đất thuộc sở hữu của Nhà nước đã giao cho tổ chức thuê, sử dụng nhưng không được giải quyết dứt điểm khiến nhiều người bất bình. Sự chậm trễ làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật, gây nhiều thiệt hại cho tổ chức thuê, sử dụng đất và tạo một tiền lệ xấu cho những hành vi vi phạm pháp luật tương tự.

Năm 1977, UBND huyện Đồng Hỷ (tỉnh Bắc Thái, nay là Thái Nguyên) đã quyết định thu hồi mảnh đất có diện tích 156 m2, là đất thổ cư do gia đình bà Đinh Thị Thơm, trú tại tổ 5 (phường Phú Xá, TP Thái Nguyên) đang quản lý, sử dụng. Mục đích thu hồi để cấp cho Hợp tác xã (HTX) mua bán xã Tích Lương xây dựng trụ sở hoạt động. Thời điểm này, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm đếm, đền bù tài sản cho bà Thơm nhưng bà không nhận, buộc chính quyền địa phương phải giải quyết bằng biện pháp hành chính. Năm 1982, HTX mua bán giải thể, khu đất được chuyển giao cho Trạm Thuế huyện Đồng Hỷ sử dụng đến năm 1985 thì bàn giao cho UBND thành phố Thái Nguyên. Sau đó, Công ty Thương nghiệp I Thái Nguyên, là đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, được giao quản lý, sử dụng diện tích nêu trên. Từ thời điểm được giao, mảnh đất không có tranh chấp, khiếu nại và được Công ty Thương nghiệp I Thái Nguyên sử dụng ổn định, liên tục, có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Năm 2007, sau khi Công ty Thương nghiệp I Thái Nguyên được cổ phần hóa, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 588464 cho Công ty cổ phần Thương nghiệp I Thái Nguyên - nay là Công ty cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Phú Quý Thăng Long (Công ty Phú Quý Thăng Long). Hiện nay, Công ty Phú Quý Thăng Long là đơn vị được phép thuê và sử dụng mảnh đất 156 m2 tại thửa đất số 71, tờ bản đồ số 22 (phường Phú Xá, TP Thái Nguyên).

Năm 2015, sau 30 năm sử dụng, Công ty Phú Quý Thăng Long tiến hành phá dỡ nhà cũ để tiến hành cải tạo sửa chữa nhà xưởng, trụ sở. Trong quá trình xây dựng, diện tích nêu trên bị bà Đinh Thị Thơm lấn chiếm, dựng rào chắn và tiến hành trồng một số hoa màu. Từ đó đến nay, bà Thơm tự ý chiếm đất, xây dựng và trồng hoa màu trên đất có chủ quyền của người khác, vụ việc không được giải quyết dứt điểm, thỏa đáng. Đơn vị được thuê đất cũng không thể tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến công việc bị ảnh hưởng nặng nề.

Vụ việc đã được TAND thành phố Thái Nguyên thụ lý và xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, bản án có một số sai sót dẫn đến đương sự khiếu nại, buộc TAND tỉnh Thái Nguyên phải yêu cầu TAND thành phố Thái Nguyên giải quyết lại.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993; khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003; khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013, việc bà Thơm đòi lại khu đất đã được Nhà nước thu hồi, giao cho người khác sử dụng sau khi đã tiến hành đầy đủ các thủ tục pháp lý và hành chính theo quy định là không có cơ sở để giải quyết. Hơn nữa, bà Thơm khiếu nại đòi quyền sử dụng 156 m2 đất cũng đã được cơ quan chức năng huyện Đồng Hỷ giải quyết từ năm 1985. Việc bà Thơm tự ý chiếm đất, xây dựng và trồng hoa màu trên đất thuộc quyền sở hữu Nhà nước và quyền sử dụng hợp pháp của người khác là vi phạm pháp luật.

Việc đòi lại đất của gia đình bà Đinh Thị Thơm không phù hợp các quy định của pháp luật, nhưng vì sao các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên không giải quyết dứt điểm để vụ việc kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức thuê đất, tạo tiền lệ xấu cho những hành vi tương tự.

PHÙNG CHÂM (Thái Nguyên)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bandoc/tranh-chap-dat-cham-giai-quyet-vi-sao--624960/