Tranh chấp chung cư: Chưa bao giờ hết nóng

Thực trạng tranh chấp tại các dự án nhà chung cư trên địa bàn Tp.HCM đang gia tăng, nguyên nhân tranh chấp vẫn xoay quanh phí bảo trì, chất lượng chung cư, quản lý tòa nhà... nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

Bùng nổ tranh chấp

Kể từ khi thị trường căn hộ chung cư tại Tp.HCM phát triển mạnh, câu chuyện tranh chấp, khiếu nại, tố cáo giữa các bên liên quan chưa bao giờ hết nóng. Điển hình như việc tranh chấp kéo dài của hàng trăm cư dân sống ở Chung cư Phúc Lộc Thọ (35 Lê Văn Chí, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) do Công ty TNHH Phúc Lộc Thọ làm chủ đầu tư.

Hiện, họ rất bất an trong chính căn hộ của mình, vì chung cư đưa vào sử dụng mới 5 năm nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy vậy, chủ đầu tư không chịu bảo hành như cam kết, chậm bàn giao sổ hồng cho cư dân, chưa bàn giao 2% phí bảo trì cho Ban Quản lý chung cư... Bức xúc vì những yêu cầu chính đáng của mình không được chủ đầu tư giải quyết, ngày 26/5/2019, cư dân đã đồng loạt xuống sân căng băng rôn đòi lại quyền lợi của mình.

Cư dân chung cư Phúc Lộc Thọ đã đồng loạt căng băng rôn để đòi lại quyền lợi của mình

Cư dân chung cư Phúc Lộc Thọ đã đồng loạt căng băng rôn để đòi lại quyền lợi của mình

Bên cạnh tranh chấp về quỹ bảo trì, còn có các tranh chấp khác như: Tranh chấp về tiện ích chung, tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ chung cư, tranh chấp về chất lượng công trình, tranh chấp về việc bầu Ban quản trị...

Cụ thể: Tranh chấp tại Chung cư La Bonita (số 6-8 đường D2, P.25, Q.Bình Thạnh)

Mặc dù , dọn về sống tại chung cư này đã lâu nhưng người dân ở đây chưa một ngày được yên ổn. Sau vài năm bàn giao nhà, xảy ra tranh chấp quyền sở hữu tòa nhà giữa chủ đầu tư cũ và chủ đầu tư mới, khiến cư dân bức xúc, thường xuyên phải sống trong cảnh không có điện, nước...

Chị Ch. cư dân sống tại Chung cư La Bonita cho biết: Năm 2018, Công ty Angel Homes thỏa thuận mua lại Dự án La Bonita của Công ty Nam Thị thông qua việc thực hiện mua 100% vón góp từ Công ty Nam Thị theo Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp số 16/2018/HĐCN với giá trị 5 tỷ đồng. Kèm theo đó là thỏa thuận Công ty Angel Homes sẽ chi khoản tiền 345 tỷ đồng để xử lý phần nợ xấu và tiền đầu tư của dự án tòa nhà La Bonita.

Theo thỏa thuận đã ký kết, Công ty Angel Homes chỉ thực hiện việc thanh toán các công nợ khi Công ty Nam Thị bàn giao toàn bộ, đầy đủ hồ sơ kế toán, hồ sơ mua bán các căn hộ, sàn thương mại, hồ sơ pháp lý đầu tư, hồ sơ xây dựng, hồ sơ chất lượng của công trình, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu công trình và dòng tiền khách hàng đối tác của Công ty Nam Thị.

Đến nay, việc bàn giao vẫn chưa được đầy đủ. Từ việc tranh chấp giữa 2 chủ đầu tư này đã khiến cho công tác thu phí tiền điện, nước, dịch vụ quản lý... của Ban Quản lý gặp nhiều khó khăn dẫn đến cư dân phải sống trong cảnh liên tục bị cắt điện, cắt nước...

Khoảng trống pháp lý

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), Tp.HCM hiện có 1.367 nhà chung cư với 141.062 căn hộ có diện tích sàn xây dựng là 10.645.970 m2. Tỷ lệ căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 8,4% tổng số nhà ở trên địa bàn Tp.HCM và đang có xu thế tăng mạnh trong quá trình đô thị hóa. Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới. Tuy vậy, chung cư càng phát triển, kéo theo tình trạng tranh chấp cũng nhiều.

HoREA cho rằng, hạn chế lớn nhất của nhà chung cư là thường xuyên xảy ra tranh chấp. Nguyên nhân có phần liên quan đến văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng. Ngoài ra, quy định các chế tài, xử phạt chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh với thực tế. Những tranh chấp ở chung cư thường xoay quanh các vấn đề về quỹ bảo trì, dịch vụ quản lý vận hạnh nhà chung cư, chất lượng thiết bị, sở hữu chung - riêng, việc bầu Ban quản trị...

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: Chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết tiến độ; Chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho Ngân hàng mà không giải chấp, không được người mua nhà đồng ý; Hay một số Chủ đầu tư đã đưa dân vào ở khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình, không đảm bảo an toàn, chất lượng công trình thấp, phí gửi xe quá cao, chậm bàn giao sổ hồng...

Báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM cho thấy, trên địa bàn TP hiện có 38 chung cư có khiếu nại, tranh chấp về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, quyền sử dụng đất, bãi giữ xe, quản lý vận hành chung cư, công tác phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo, chưa bàn giao đủ kinh phí bảo trì, trì hoãn việc tiếp nhận bàn giao hồ sơ và hệ thống kỹ thuật chung nhà chung cư, chiếm dụng phần sở hữu chung, thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng...

Theo Luật sư Đào Xuân Sơn - Công ty Luật TNHH Investpush, Luật Nhà Ở năm 2014 quy định người mua căn hộ chung cư phải nộp kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà (trước thuế VAT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho Ban quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật. Tuy vậy, phương thức quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư như cách làm hiện nay có nhiều bất cập, đây là lý do dẫn đến tranh chấp tại một số chung cư trên địa bàn Tp.HCM trong thời gian qua.

Nguồn Baotainguyenmoitruong

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/tranh-chap-chung-cu-chua-bao-gio-het-nong-5131/