Tránh chạm trán ở biển Đông

Các sáng kiến như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vẫn tỏ ra hữu dụng khi chúng nhắc nhở tất cả bên liên quan giữ căng thẳng trong tầm kiểm soát

Chưa đầy một tháng kể từ khi suýt xảy ra cuộc va chạm nảy lửa giữa tàu khu trục Mỹ USS Decatur và một tàu hải quân Trung Quốc, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN bày tỏ nỗi quan ngại về tình trạng căng thẳng ngày càng dâng cao giữa 2 cường quốc này ở biển Đông.

ASEAN dường như gia tăng lo ngại trước điều được xem là nguồn gốc bất ổn tiềm tàng ở biển Đông. Họ e rằng những diễn biến như vậy có thể phá hỏng các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra, chẳng hạn đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Dù vậy, hiện chưa rõ quan ngại của ASEAN có thay đổi được hành vi của các cường quốc ở bên ngoài khu vực hay không, nhất là Trung Quốc và Mỹ.

Nhiều khả năng Bắc Kinh và Washington sẽ không ngừng các hoạt động của họ ở biển Đông và các quan chức ASEAN chắc hẳn đã thấy rõ thực tại này. Vì thế, họ tìm cách bảo đảm rằng nếu không có cách gì ngăn chặn hoặc tránh xảy ra khủng hoảng thì ít nhất cũng không để bất kỳ vụ chạm trán nào, như giữa 2 tàu nói trên, vượt ngoài tầm kiểm soát.

ASEAN đã khuyến khích các cường quốc ngoài khu vực ủng hộ những biện pháp xây dựng lòng tin. Bộ Quy tắc ứng xử về các vụ chạm trán bất ngờ trên biển (CUES) đã được 21 lực lượng hải quân thông qua tại hội nghị chuyên đề hải quân Tây Thái Bình Dương hồi tháng 4-2014 nhằm thúc đẩy an toàn trong các vụ đối đầu trên biển.

Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) hồi tháng 10 mới đây thông qua Bộ Quy tắc hướng dẫn tránh va chạm quân sự trên không (GAME), mở rộng việc xây dựng lòng tin từ mặt biển lên bầu trời. Bước đi hợp lý kế tiếp là các nước khác tán thành một bộ quy tắc hướng dẫn này và diễn biến thực tế cho thấy nó không xa tầm tay.

Điều đáng khích lệ là 8 quốc gia đối tác tham dự hội nghị này, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ, đã "ủng hộ về nguyên tắc" GAME - được xem là bộ quy tắc đa phương đầu tiên trên thế giới chi phối hành vi giữa các lực lượng không quân.

Tàu hải quân ASEAN và Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải chung vào tháng rồi Ảnh: MINDEF.GOV.SG

Với Mỹ và Trung Quốc, bộ quy tắc hướng dẫn nói trên không phải là quá mới. Hai cường quốc này đã từng ký những điều khoản tương tự trong các thỏa thuận song phương kể từ năm 2014, bao gồm biên bản ghi nhớ liên quan đến Bộ Quy tắc hành vi vì sự an toàn của các vụ va chạm trên không và trên biển năm 2014 và Hiệp định về thành lập một cơ chế tham vấn để tăng cường an toàn hàng hải quân sự. Năm sau đó, cả hai bên cũng đã nhất trí với các quy tắc chi tiết hơn về chạm trán trên không.

Tuy nhiên, sự tồn tại các thỏa thuận như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc không bảo đảm được sự tuân thủ hoàn toàn. Tháng 5-2016, 2 chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc áp sát và chỉ cách máy bay do thám EP-3 của hải quân Mỹ ở phía Đông đảo Hải Nam khoảng 15 m. Nhà chức trách Mỹ gọi đây là vụ chạm trán "không an toàn" và vi phạm các thỏa thuận đã ký. Đến tháng 2-2017, ở bãi đá Scarborough, máy bay do thám và tuần tra P-3C của hải quân Mỹ và máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc bay cách nhau 304 m.

May là những sự cố như vậy không leo thang thành đụng độ nghiêm trọng, một phần nhờ yếu tố còn quan trọng hơn các thỏa thuận nói trên - các kênh liên lạc song phương

Việc Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN thông qua GAME có thể đã khiến Bắc Kinh và Washington thấy tính cấp bách phải bảo đảm an toàn cho sự tương tác trên biển và trên không giữa lực lượng hai bên. Dù vậy, vẫn có hạn chế đối với những gì sáng kiến mới này có thể đạt được, ngay cả khi nó được thông qua bởi các nước lớn bên ngoài.

Mặt khác, cuộc tập trận hàng hải ASEAN - Trung Quốc đầu tiên mới diễn ra (từ ngày 22 đến 27-10) và cuộc tập trận tương tự giữa ASEAN - Mỹ, dự kiến diễn ra vào năm tới, cho thấy vai trò ngày càng lớn của hiệp hội này trong cuộc đối đầu địa chính trị đang tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

ASEAN đã đạt được những thành tựu to lớn về ngoại giao thông qua những hội nghị gần đây nhất nhưng cần phải giảm bớt sự kỳ vọng về chuyện Mỹ và Trung Quốc sẽ xử lý các cuộc chạm trán của họ ra sao, nhất là ở biển Đông. Những hoạt động diễn ra dồn dập tại vùng biển này cho thấy căng thẳng ở đó khó có thể sớm giảm bớt.

Tuy vậy, các sáng kiến do ASEAN đứng đầu, chẳng hạn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), vẫn còn hữu dụng khi chúng giúp nhắc nhở tất cả bên liên quan giữ căng thẳng trong tầm kiểm soát.

NGÔ SINH (lược dịch từ kênh ChannelNews Asia)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tranh-cham-tran-o-bien-dong-2018110121333246.htm