'Tránh cắt điều kiện này thì mọc quy chuẩn, tiêu chuẩn khác'

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, năm qua, các bộ, ngành đã nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục, danh mục kiểm tra chuyên ngành. Nhưng, vẫn có những thông tư được ban hành tạo ra rào cản rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra. Ảnh: Nhật Bắc

Ngày 1/4, Tổ Công tác của Thủ tướng kiểm tra các bộ, cơ quan về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khoảng 5.400 tấn cá ứ đọng vì thông tư

Tại buổi làm việc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, hiện có khoảng 5.400 tấn nguyên liệu hải sản khai thác đang ứ đọng khi nhiều cảng cá không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chỉ định là có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Cả nước hiện có 83 cảng cá nhưng Bộ NN&PTNT mới công bố 47 cảng đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 21 năm 2018.

Vướng mắc nữa lại nằm tại Thông tư 36 năm 2018 của Bộ này. Theo đó, các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ các cảng trung chuyển về Việt Nam phải nộp bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp. Quy định này được cho là không cần thiết, không khả thi, gây ách tắc cho nhiều container hàng thủy sản.

Sau khi lắng nghe ý kiến đại diện Bộ NN&PTNT, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, cần xem xét năm vừa qua kiểm tra bao nhiêu lô hàng, phát hiện bao nhiêu vi phạm? Các nước đã có chứng nhận rồi thì mình có cần kiểm tra nữa không?. “Nếu cứ lý thuyết mà khẳng định là cần thì chúng ta đã không cần phải ngồi với nhau như thế này”, ông nói.

Theo ông Mai Tiến Dũng, lý do khiến doanh nghiệp tồn đọng 5.400 tấn cá là do thông tư bàn hành ra nhưng không có thời gian chuyển tiếp. Ông đề nghị Bộ tiếp tục có văn bản tháo gỡ vấn đề này.

Tại sao quy định “lợn không được ăn cây chuối”…

Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến liên quan đến Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi gây xôn xao dư luận thời gian qua với những quy định như lợn không được ăn cây chuối, thỏ không được ăn cà rốt…

Lý giải quy định này chỉ áp dụng với thức ăn sản xuất thương mại chứ không áp dụng với các thức ăn tự cung tự cấp của nông hộ, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, quy định của Thông tư “hoàn toàn đang vì doanh nghiệp, tạo cơ chế rất tốt”.

Dù vậy, theo ông Dương, tới đây sẽ sửa đổi Thông tư này theo hướng điều chỉnh phạm vi áp dụng cho phù hợp hơn, theo cách hiểu như trên.

Toàn cảnh buổi kiểm tra. Ảnh: Nhật Bắc

Không đồng tình nếu Bộ chỉ điều chỉnh như vậy, ông Mai Tiến Dũng lưu ý, nếu quy định “chọn cho” tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép sẽ dẫn tới bỏ sót. Cho nên, cần quy định “chọn bỏ”, tức là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm hồ sơ, thủ tục, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Tiếp thu các ý kiến, đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho hay, sẽ bỏ yêu cầu bản sao giấy xác nhận trong Thông tư 36, đồng thời ngay trong tháng 4 này sẽ công bố tiếp các cảng cá đủ điều kiện theo Thông tư 21…

3 năm chưa sửa xong quy định bất cập là rất chậm

Với Bộ Y tế, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị về bất cập liên quan đến quy định sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm được quy định tại Nghị định 09 năm 2016. Cho tới nay, Bộ vẫn chưa trình phương án bãi bỏ quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối I-ốt, trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc này không nên bắt buộc mà chỉ khuyến khích.

“Việc này đã bàn từ năm 2016, tức là rất lâu rồi mà chưa sửa. Tổ công tác đã làm việc với Bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu sửa đổi. Ba năm mà vẫn chưa làm xong là rất chậm, cần khẩn trương xử lý dứt điểm, thể hiện bằng hành động cụ thể, thể chế hóa, chứ không phải cứ “tiếp tục, đang tiến hành””, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, cần tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng; quyết liệt xóa bỏ những rào cản hành chính, những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tiếp tục cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Các Bộ đã nỗ lực cải cách rồi nhưng yêu cầu của Thủ tướng, của doanh nghiệp là cải cách tốt hơn, thực chất hơn, tránh việc cắt điều kiện này thì mọc quy chuẩn, tiêu chuẩn khác, phải cắt bỏ những gì không cần thiết”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/tranh-cat-dieu-kien-nay-thi-moc-quy-chuan-tieu-chuan-khac_t114c1159n146600